Báo chí và bài toán nguồn thu
Nguồn lực báo chí và những giá trị do báo chí đem lại cho xã hội vô cùng lớn nhưng báo chí đang đứng trước một thực tế, đó là nguồn thu suy giảm mạnh.
Báo chí suy giảm nguồn thu và sự ảnh hưởng
Với hơn 900 cơ quan báo chí ở cả 3 loại hình, nhưng trong năm 2019, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỉ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như facebook, google ở thị trường Việt Nam. Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới. Mất nguồn thu sẽ đồng nghĩa với việc sa sút nội dung và giảm sự ảnh hưởng của kênh tuyên truyền chính thống.
Hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là Facebook, Google... đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại đến mức các báo không còn nguồn thu. Nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo không có bao cấp, có nguy cơ phải tự giải thể hoặc thu hẹp.
(Ảnh minh họa) |
Số khác buộc phải xoay xở bằng các nguồn thu khác như: các hoạt động ngoài mặt báo như tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Google, Facebook... và vì thế dẫn đến không ít cơ quan báo chí lại coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác.
Có các hoạt động “thúc ép” doanh nghiệp quảng cáo, thậm chí là trở thành chủ trương của nhiều tòa soạn khiến môi trường kinh doanh, đầu tư trở nên méo mó, cản trở hoạt động của nhiều doanh nghiệp lành mạnh.Bị “mắc kẹt” trong cái bẫy “hợp đồng truyền thông” như vậy báo chí dễ đánh mất dần niềm tin của độc giả
Thực tế, nhiều cơ quan báo chí phải “đi hai chân”, vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa phải kinh doanh, đầu tư ngoài ngành, hoặc dựa vào nguồn lợi tức từ gửi tiết kiệm trước đó.Dù thế nào thì việc sụt giảm nguồn thu đã là một trong những nguyên nhân chính khiến báo chí đang không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; cùng với các trang tin điện tử dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều vi phạm như thời gian qua.Vòng xoáy “cơm, áo, gạo, tiền” sẽ làm báo chí xa rời chân giá trị của nghề báo.
Giải pháp nguồn thu
Thực tế cho thấy, nếu báo chí bị quá phụ thuộc vào một nguồn thu nào đó thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Cần có chính sách mới hỗ trợ, đầu tư để bảo đảm công cụ truyền thông thiết yếu của nhà nước hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó là sự thay đổi nhận thức, tìm tòi, học hỏi cách làm mới của người đứng đầu cơ quan báo chí.
Bối cảnh khó khăn hiện nay, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về hình thức thu phí. Mọi người dân được xem các kênh truyền hình thiết yếu không bị thu phí, nhưng các kênh giải trí khác có chất lượng thì đều có thu phí. Khi báo chí cùng tham gia vào hệ sinh thái số có thu phí thì cần có chính sách thắt chặt và kiểm soát gắt gao hơn nữa về vấn đề bản quyền.
Báo chí, truyền thông của chúng ta đang sản xuất nội dung rồi chủ động đưa ( hoặc bị đưa) tài nguyên đó vào nền tảng phát hành xuyên biên giới để được nhiều người tiếp cận và có chút đỉnh nguồn thu. Nhưng làm như thế, chính chúng ta đang tạo ra giá trị cho các nền tảng xuyên biên giới, làm mất đi lợi thế ảnh hưởng của báo chí.
Cùng với củng cố, đổi mới về nội dung thì việc đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến cho báo chí là cơ sở để có thể cạnh trạnh với các phương tiện truyền thông mới. Các nền tảng công nghệ đang cấu hình lại các thuật toán của họ để tôn trọng hơn người dùng, khi mà họ đang phải đối mặt với những cáo buộc, đe dọa pháp lý.
Tuy nhiên, tốc độ thay đổi công nghệ cho thấy không có dấu hiệu chậm lại. Trí tuệ nhân tạo cung cấp khả năng có nhiều dịch vụ tin tức dành cho cá nhân hơn, những cách mới để khám phá những câu chuyện, cũng như những cách đóng gói và phân phối nội dung hiệu quả hơn. Blockchain cuối cùng sẽ mở ra các hình thức thanh toán và xác minh mới, trong khi trợ lý giọng nói có thể trở thành một cổng thông tin mới để truy cập phương tiện truyền thông thuộc mọi loại hình.
Trong bối cảnh đó, báo chí sẽ cần phải rõ ràng hơn bao giờ hết khi đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của cơ quan, tổ chức - và về đối tượng bạn đọc mà báo chí đang phục vụ. Báo chí cần tìm cách kết hợp nguồn nhân lực độc đáo của mình với làn sóng công nghệ mới này để tối đa hóa tiềm năng sẵn có, tạo ra sản phẩm báo chí hấp dẫn hơn để có thể phát triển bền vững trong tương lai.
Nhiều tòa soạn ở Việt Nam đã rất nhanh chóng ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động của mình và phát hành đến độc giả như khai thác dữ liệu lớn, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để gợi ý bài viết riêng biệt theo sở thích, thói quen của từng độc giả (Zing, VnExpress, Chuyên trang Thế Giới Trẻ của Báo Bưu điện Việt Nam); chat bot (Vietnamplus); hay báo nói tự động (Dân Trí, Tổ Quốc, ICTnews).
Hiện nay, một số loại hình công nghệ truyền thông được dự báo sẽ rất phát triển trong tương lai gần là: Trí tuệ nhân tạo, Phóng viên robot, trợ lý riêng kích hoạt bằng giọng nói, chatbot, internet vạn vật (IoT), tìm kiếm bằng hình ảnh và thực tế ảo mà các cơ quan báo chí có thể nghiên cứu và cân nhắc trong việc ứng dụng theo tình hình thực tế.
Ngoài ra, các nền tảng công nghệ vượt trội hiện nay giúp báo chí có thể có thêm bản app và phát triển thêm nguồn thu, quản trị người dùng, tăng traffic cho báo như Appnews Vietnam.
Một số tập đoàn công nghệ lớn trong nước cam kết đồng hành chuyển đổi số cùng báo chí, đây là cơ hội mà báo chí cần tận dụng để được tư vấn và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số như: tư vấn dịch vụ phân tích dữ liệu AI phục vụ quy trình nghiệp vụ báo chí; hỗ trợ các báo trong việc lưu trữ, hosting hoặc trên Cloud với chi phí tối ưu nhất và sử dụng, trao đổi quảng cáo của báo; hỗ trợ các báo trong kết nối internet băng rộng và dịch vụ mạng phân phối nội dung với chi phí tối ưu; cung cấp giải pháp hỗ trợ báo điện tử trong quản lý tin, tùy biến nội dung cho từng người đọc, phát hiện tin giả và chống giả tin bài, phát hiện tin bị cóp nhặt..vv..
Do vậy, thay đổi nhận thức để có cách làm mới là cơ hội để báo chí tìm cho mình hướng đi trong tương lai. Báo chí phải tìm lại, bồi đắp những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng, đồng thời nhận một sứ mệnh mới là chống các tin giả, tin xấu, độc hại, tạo dòng chảy chính của thông tin hướng đến những giá trị tốt đẹp, xây dựng niềm tin xã hội.
Khi báo chí mang lại những giá trị cho cộng đồng thì đó là cách báo chí giành lại người đọc, người xem.
Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT
Lưu Đình Phúc