Ban hành Danh mục nguồn nước liên tỉnh và nguồn nước liên quốc gia
Ngày 11/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Quyết định số 1757/QĐ-BTNMT về việc ban hành Danh mục nguồn nước liên tỉnh và Danh mục nguồn nước liên quốc gia (nguồn nước mặt).
Theo Quyết định, danh mục nguồn nước liên tỉnh thuộc 697 sông, suối, kênh, rạch và 38 hồ. Nguồn nước liên quốc gia thuộc 173 sông, suối, kênh, rạch.
Hướng dẫn cách xác định các nguồn nước liên tỉnh, nguồn nước liên quốc gia
Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, việc xác định các nguồn nước liên tỉnh, nguồn nước liên quốc gia được thực hiện như sau:
Một là, đối với nguồn nước liên tỉnh, nguồn nước liên quốc gia là các sông, suối, kênh, rạch:
Kế thừa kết quả Danh mục lưu vực sông liên tỉnh (được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1989/QĐ-TTg ngày 01/11/2010) và Danh mục lưu vực sông nội tỉnh (được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Quyết định số 341/QĐ-BTNMT ngày 23/3/2012), gồm 392 sông, suối liên tỉnh (trong đó: 370 sông, suối, kênh, rạch chảy qua ranh giới 2 tỉnh và 22 sông, suối có diện tích lưu vực thuộc phạm vi 2 tỉnh trở lên) và 93 lưu vực sông liên quốc gia (trong đó: 91 sông, suối, kênh, rạch chảy qua biên giới 2 quốc gia và 02 sông, suối có diện tích lưu vực thuộc phạm vi lãnh thổ của 2 quốc gia trở lên) trên phạm vi toàn quốc đã được xác định theo các tiêu chí như sau:
Đối với sông, suối xác định được ranh giới phạm vi lưu vực (phân bố ở vùng trung du, vùng núi) được lựa chọn có chiều dài từ 10km trở lên.
Ảnh minh họa. |
Đối với sông, suối, kênh, rạch không xác định được ranh giới phạm vi lưu vực (phân bố ở vùng đồng bằng) được lựa chọn như sau: sông có chiều dài từ 10km trở lên và bề rộng sông trung bình từ 25m trở lên; và tất cả các sông, kênh có bề rộng trung bình từ 50m trở lên (không phân biệt chiều dài).
Hai là, đối với nguồn nước liên tỉnh, nguồn nước liên quốc gia là các hồ, ao, đầm, phá: Tổ chức thực hiện rà soát trên nền bản đồ địa hình (dạng số) tỉ lệ 1:50.000 toàn bộ các hồ, ao, đầm, phá trên phạm vi từ hai tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trở lên trên toàn quốc. Đồng thời, kết hợp với các tài liệu, dữ liệu thu thập, tiến hành tổng hợp, phân loại, xác định các hồ, ao, đầm, phá có diện tích mặt nước phân bố trên phạm vi từ hai tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trở lên hoặc hồ, ao, đầm, phá nằm trên địa bàn 2 quốc gia trở lên để tổng hợp trong danh mục nguồn nước liên tỉnh, hoặc danh mục nguồn nước liên quốc gia.
Xây dựng các thông tin chính trong danh mục nguồn nước
Quyết định cũng quy định cụ thể tên nguồn nước: sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá. Cụ thể, tên sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá được xác định trực tiếp trên bản đồ địa hình tỉ lệ 1:50.000; tên sông là tên xuất hiện đầu tiên tính từ cửa sông. Ngoài ra, một số sông có nhiều tên gọi khác nhau giữa các địa phương thì ngoài tên đã được xác định như trên còn được ghi chú tên gọi khác của sông, suối, kênh, rạch.
Trên bản đồ tồn tại một số các sông, suối, kênh, rạch không có tên thì tên sông được xác định như sau: (1) Đối với sông xác định được ranh giới phạm vi lưu vực (phân bố ở vùng trung du, vùng núi) được gọi là “Phụ lưu” số i (trong đó i là số thứ tự của sông đổ vào hệ thống sông tính theo thứ tự từ thượng lưu về hạ lưu); (2) Đối với sông không xác định được ranh giới phạm vi lưu vực (phân bố ở vùng đồng bằng) được gọi tên là “Phân lưu” số i (trong đó i là số thứ tự của các sông phân lưu tính theo thứ tự từ thượng lưu về hạ lưu).
Đối với, chiều dài sông, suối, kênh, rạch sẽ có đầy đủ các thông tin gồm: Tổng chiều dài của sông, suối, kênh, rạch; và chiều dài sông, suối chảy qua tỉnh/thành phố thuộc Trung ương (đơn vị là km) được xác định trực tiếp trên nền bản đồ địa hình tỉ lệ 1:50.000 bằng công cụ phần mềm Mapinfor, cụ thể như sau:
Chiều dài sông được xác định bằng tổng chiều dài đoạn sông tính từ vị trí đầu sông đến vị trí cửa sông. Đối với các sông, suối, kênh, rạch có nguồn nước liên quốc gia, chiều dài sông được xác định bằng tổng chiều dài đoạn sông tính từ vị trí chảy vào biên giới đến vị trí cửa sông hoặc từ vị trí đầu sông đến vị trí chảy ra khỏi biên giới.
Chiều dài của sông chảy qua tỉnh/thành phố thuộc Trung ương, được xác định bằng tổng chiều dài đoạn sông tính từ vị trí chảy vào ranh giới tỉnh đến vị trí chảy ra khỏi ranh giới tỉnh.
Chiều dài sông là ranh giới giữa hai tỉnh/thành phố thuộc Trung ương được xác định bằng tổng chiều dài đoạn sông tính từ vị trí chảy vào ranh giới hai tỉnh/thành phố đến vị trí chảy ra khỏi ranh giới hai tỉnh/thành phố.
Vị trí đầu nguồn, cửa sông và vị trí chảy vào, chảy ra khỏi biên giới quốc gia được xác định trực tiếp trên nền bản đồ địa hình tỉ lệ 1:50.000, các thông tin, về: tọa độ X, Y (Hệ VN-2000 múi chiếu 60); địa danh (gồm các thông tin: xã/phường/thị trấn - huyện/thành phố/thị xã - tỉnh/thành phố), trường hợp vị trí nguồn sông, cửa sông và vị trí chảy vào, chảy ra khỏi biên giới quốc gia nằm trùng với ranh giới giữa hai tỉnh/thành phố thì thông tin về “địa danh” sẽ được thể hiện cả hai địa phương.
Đối với mã sông, suối, kênh, rạch là các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia được đánh theo hệ thống sông, theo nguyên tắc đánh số lần lượt thứ tự từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông và bắt đầu từ các lưu vực sông lớn (gồm: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và Mê Công (Cửu Long) tiếp đến các sông độc lập khác. Cụ thể như sau:
Các nguồn nước liên tỉnh, nguồn nước liên quốc gia thuộc lưu vực sông lớn: Đánh mã số bắt đầu từ 01 (thuộc sông Bằng Giang - Kỳ Cùng) đến đến 08 (thuộc sông Cửu Long Mê Công (Cửu Long). Các nguồn nước liên tỉnh, nguồn nước liên quốc gia thuộc các hệ thống sông độc lập khác, mã số bắt đầu từ 09 (thuộc sông Tiên Yên).
Các nguồn nước liên tỉnh, nguồn nước liên quốc gia thuộc lưu vực sông lớn được đánh mã số theo quan hệ cành cây với sông lớn;
Các nguồn nước liên tỉnh, nguồn nước liên quốc gia thuộc các lưu vực sông độc lập khác tiếp tục đánh mã số từ 09 cho đến hết. Nguồn nước sông các cấp thuộc hệ thống sông độc lập, cũng được đánh mã số theo quan hệ cành cây trong cùng một hệ thống sông.
Đánh mã “Phân lưu” đối với sông, kênh, rạch vùng đồng bằng: Mã phân lưu được đánh số theo quan hệ với sông chính, trong đó mỗi phân lưu được thể hiện bằng một chữ viết tắt (PL) số i (trong đó i là số thứ tự của các sông phân lưu tính theo thứ tự từ thượng lưu về hạ lưu). Thứ tự mã số của phân lưu được đánh theo từng hệ thống sông và bắt đầu tính từ phân lưu đầu tiên (PL01) cho đến hết số phân lưu trong một hệ thống sông.
Thúy Hằng - Thanh Tâm