Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vào cuộc ngăn chặn tôm hùm đất
Liên quan đến công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý loài tôm càng đỏ (hay còn gọi là tôm hùm đất) nhập lậu, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) vừa có công văn gửi các cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành và địa phương yêu cầu vào cuộc ngăn chặn loài tôm hùm đất.
Công văn của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nêu rõ, thời gian gần đây, tình trạng tôm hùm đất nhập lậu qua biên giới đưa vào Việt Nam tiêu thụ đang bùng phát dữ dội.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), loài tôm này không có tên trong danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm hùm đất là vi phạm quy định của pháp luật về đang dạng sinh học và thuỷ sản.
Qua đường nhập lậu, tôm càng đỏ hay tôm hùm đất đang ồ ạt tràn vào Việt Nam. |
Để bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến nuôi trồng thuỷ sản, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành và địa phương chủ động nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, biến giới, nhất là các cửa khẩu phụ, lối mòn, lối mở, điểm tập kết... để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép tôm hùm đất.
Bên cạnh đó, trong thị trường nội địa tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát hệ thống các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thủy hải sản, dịch vụ ăn uống... để có biện pháp quản lý và xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Cuối cùng, văn bản nêu rõ, đẩy mạnh tuyên truyền, phát động toàn dân không bao che, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, tiêu thụ loài tôm càng đỏ và tham gia tố giác các hành vi vi phạm.
Tôm càng đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất là loài có khả năng sinh sống ở nhiều loại môi trường khác nhau, từ vùng ven biển nước lợ tới môi trường nước ngọt; môi trường sống ưa thích là những nơi có dòng chảy chậm. Chúng thường ẩn nấp trong các hang hốc, rễ cây thủy sinh lớn ven bờ; là loài ăn tạp, thức ăn gồm các loại thực vật, động vật, bã hữu cơ, đôi khi có thể ăn thịt lẫn nhau. Chúng có thể đào hang sâu tới 2m, phá hủy kênh mương, thủy lợi nên được xếp vào 100 loài nguy hiểm nhất trên thế giới. Bộ NN&PTNT đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát loài này, vì đây là sinh vật ngoại lai xâm hại, không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. |
Trần Giang