Bài 5: Lý do người dân toàn cầu hào hứng với xe điện
Cùng với các chính sách hỗ trợ chuyển đổi và lợi ích mà xe điện mang lại, xu hướng sử dụng xe điện đang lan tỏa trên toàn cầu với tốc độ mạnh mẽ.
Xu hướng giao thông xanh đang lan tỏa mạnh mẽ
Theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Rho Motion, ước tính năm 2024 cả thế giới có khoảng 15,2 triệu xe điện được bán ra thị trường. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng dự báo doanh số bán xe điện sẽ đạt 20% số xe bán ra trên toàn cầu.
Tại Mexico, doanh số bán xe điện năm nay đã tăng gấp 5 lần năm ngoái. Tại Anh, doanh số xe xanh cũng tăng khoảng 17% so với năm 2023. Tuy nhiên, tại Pháp và Đức, doanh số bán xe điện lại có phần đi xuống.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, thị trường xe điện năm 2024 đã tăng thêm gần 50% do Tesla gia nhập thị trường. Bên cạnh đó các công ty sản xuất xe điện nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ cũng gia sức đẩy mạnh doanh số bán hàng.
Dữ liệu mới nhất của Rho Motion cho thấy 15,2 triệu xe điện đã được bán ra từ tháng 1 đến tháng 11/2024, hơn một nửa trong số đó, tương đương 9,7 triệu xe, đến từ Trung Quốc.
Nghiên cứu gần đây của các nhà phân tích Eugene Hsiao và Fergus Kwan tại Macquarie cho thấy doanh số bán ô tô ở Trung Quốc tính theo đơn vị dự kiến sẽ tăng 5% khi kết thúc năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó là 2%.
Theo Fortune, thị trường xe điện toàn cầu năm tới sẽ tăng trưởng chủ yếu nhờ Trung Quốc khi vẫn là nơi có hoạt động kinh doanh ô tô lớn nhất thế giới.
Một thông tin đáng chú ý, đó là từ 1/1/2025, châu Âu sẽ áp dụng quy định mới về kiểm soát khí thải hạng mục ô tô. Điều đó có nghĩa là công ty sản xuất ô tô phải bán ít nhất 20% xe điện trong tổng doanh số để tránh bị phạt. Ông Luca de Meo, Chủ tịch của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô châu Âu (European Automobile Manufacturers' Association - ACEA) cho biết, các khoản tiền phạt có thể lên tới 15 tỷ EUR, dựa trên doanh số hiện tại.
Các nhà sản xuất dự kiến sẽ tăng mạnh giá xe xăng và giảm giá cho xe điện để kích cầu nhằm bù đắp thiếu hụt về hạn mức khí thải.
Một số nhà sản xuất như VW, Stellantis và Renault tăng giá các mẫu xe động cơ xăng lên vài trăm euro trong hai tháng qua. Các công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì giảm giá xe điện và lên kế hoạch "gộp" lượng khí thải để tránh bị trừng phạt.
Theo IEA, đến năm 2030, gần 1/3 ôtô lăn bánh trên đường phố Trung Quốc sẽ là xe điện, tăng từ mức chưa đến 1/10 ôtô vào năm ngoái. Con số này tương đương với dự báo của IEA là 17% ở Mỹ và 18% ở Liên minh châu Âu, so với chỉ hơn 2% và gần 4% vào năm ngoái. Sự thay đổi này sẽ có những tác động lớn đến cả ngành công nghiệp ôtô và lĩnh vực năng lượng. IEA dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, nhờ vào quá trình điện khí hóa ngành vận tải.
Một trong những lý do để xe điện lên ngôi là các chính sách hỗ trợ chuyển đổi của Chính phủ.
Chính sách hỗ trợ nhà sản xuất của Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu, chiếm 44% tổng lượng xe điện thế giới.
Vào năm 2020, Trung Quốc có hơn 4 triệu xe ôtô điện, 300 triệu xe hai bánh điện (hơn 50% thị trường toàn cầu) và hơn 420.000 xe buýt điện (99 %thị trường toàn cầu).
Từ năm 2009 - 2022, Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ tới hơn 200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 29 tỉ USD) vào các khoản trợ cấp và giảm thuế cho xe điện, hỗ trợ các công ty xe điện duy trì hoạt động trong những năm đầu, triển khai chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân mua xe điện.
Khoản trợ cấp của Chính phủ cũng được phân tầng theo dung lượng pin.
Xe ôtô thuần điện có phạm vi chạy trên 400km sẽ được trợ giá 3.600 USD, từ 250 - 400km được nhận 2.600 USD, dưới 250km không được trợ giá. Xe PHEV với ngưỡng pin đạt 80km được trợ giá 1.500 USD.
Ngoài ra, Trung Quốc có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng. Vào năm 2022, Bộ Tài chính, Cục Thuế Nhà nước cùng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã ra công bố sẽ miễn thuế 5% cho người mua tất cả các loại ôtô chạy bằng điện, xe hybrid có sạc ngoài và xe pin nhiên liệu.
Chính phủ cũng giảm 50% phí đăng ký xe điện. Các chính sách này đã giúp người dân Trung Quốc tiết kiệm 5,7 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm 2022.
Ngoài ra, Trung Quốc đã tăng chi ngân sách cho xe điện, chiếm 50% tổng giá trị phương tiện mua mới của Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2021. Bên cạnh đó, gần như tất cả các nhà máy sản xuất xe bắt buộc phải có năng lực sản xuất xe điện.
Những nỗ lực này đã thu hút một số lượng đáng kể các công ty vào thị trường ôtô Trung Quốc. Ở một giai đoạn, người tiêu dùng nhận được ưu đãi lên tới 8.317 USD khi mua xe điện.
Tại Thái Lan, xe điện chạy pin có giá bán lẻ lên đến 2 triệu baht (khoảng 61.000 USD), được áp dụng mức thuế nhập khẩu thấp dưới 40%, giảm so với mức 80% trước đó. Với xe chạy pin có giá bán lẻ từ 2-7 triệu baht, thuế nhập khẩu giảm từ 80% xuống 60%.
Tại Pháp, từ năm 2008, Pháp đã thiết lập một hệ thống tiền thưởng để cung cấp các ưu đãi cho việc mua xe điện. Số tiền thưởng thay đổi hàng năm. Năm 2017, Pháp đề xuất cung cấp khoản tiền thưởng trị giá 10.000 euro để khuyến khích loại bỏ xe diesel hơn 10 năm tuổi, trong đó, phần tiền thưởng cho việc mua xe điện là 6000 euro và phần thưởng bổ sung là 4.000 euro.
Còn ở Anh, chính phủ cam kết chi 290 triệu bảng Anh thúc đẩy ngành công nghiệp phương tiện sạch. Anh sẽ trợ cấp khoảng 35% trong tổng giá trị ô tô (tối đa là 4.500 bảng Anh tùy loại phương tiện) và 20% giá trị ô tô tải (lên tới 8.000 bảng Anh). Ngoài ra, xe chạy hoàn toàn bằng điện sẽ được miễn hoàn toàn thuế đường bộ hàng năm.
Quá trình chuyển đổi sang xe điện là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vận tải đường bộ chiếm 1/6 tổng lượng khí thải toàn cầu. Việc áp dụng rộng rãi xe điện có thể giải quyết đáng kể vấn đề biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, phát triển giao thông theo hướng xanh hóa, trong đó, chú trọng chuyển đổi phương tiện sang sử dụng các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường là giải pháp quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư cho phương tiện giao thông xanh, xây dựng hạ tầng, trạm sạc cho xe điện, giảm dần xe cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Triển vọng giao thông xanh ở Việt Nam, nhìn từ Vinfast
Vinfast, một hãng xe thuần Việt non trẻ đã đạt những bước tiến đáng kinh ngạc.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay VinFast đã bàn giao ra thị trường Việt Nam hơn 51.000 xe ô tô điện các loại. Với lượng đơn đặt hàng đang chờ bàn giao cao, cùng năng lực sản xuất quy mô lớn, mạng lưới kinh doanh và trạm sạc liên tục mở rộng trên toàn quốc, VinFast tin tưởng sẽ giữ vững vị thế hãng xe số 1 thị trường và ngày càng gia tăng khoảng cách với các thương hiệu khác.
Trong năm 2024, VinFast là nhà sản xuất xe điện có mức tăng trưởng vượt trội nhất tại thị trường Việt Nam với 121%. Trong khi đó, một số hãng xe Nhật Bản như KIA, Mazda, Lexus, Suzuki lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về doanh số.
Sự kiện VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất Việt Nam là dấu mốc quan trọng, mang ý nghĩa bước ngoặt với ngành công nghiệp ô tô nước nhà. Chỉ trong vòng 5 năm gia nhập thị trường, VinFast không chỉ khẳng định vị thế vững chắc mà còn chính thức vượt qua các hãng xe ngoại quốc để chiếm lĩnh thị phần lớn nhất. Đặc biệt, VinFast cũng là hãng xe điện đầu tiên vượt qua các hãng xe xăng đối thủ chỉ sau 2 năm chuyển đổi sang thuần điện để trở thành thương hiệu dẫn dắt thị trường.
Về mốc son lịch sử của VinFast, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast Toàn cầu chia sẻ: “Để có được kỳ tích này, trước hết phải kể đến sự chung tay góp sức của hàng trăm nghìn khách hàng VinFast - những người đã dũng cảm, tiên phong ủng hộ một thương hiệu Việt non trẻ, đã kiên nhẫn, kiên trì sử dụng, góp ý cho sản phẩm và dịch vụ của VinFast trong những ngày đầu, nhờ đó VinFast đã có được những cải tiến, tiến bộ vượt bậc về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và có được ngày hôm nay.
Đồng tình với nhận định của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Tiến sĩ Nguyễn Sơn, giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, việc hãng xe điện “Made in Vietnam” vươn lên chiếm lĩnh vị trí số 1 ở thị trường trong nước phản ánh thay đổi đáng kể trong nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về xe điện nói chung. Theo ông Sơn, để góp phần vào sự thay đổi tư duy, người trẻ tuổi với thu nhập trung bình và cao, đã bắt đầu coi bảo vệ môi trường là một trong những động lực quan trọng khi tìm hiểu mua xe. Điều này phù hợp với xu hướng toàn cầu hướng tới giao thông bền vững, và cũng là thành quả của truyền thông và giáo dục về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, các chính sách như miễn phí đăng ký và giảm thuế nhập khẩu cho xe điện cũng làm cho dòng xe này trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng. Về phía hãng xe nội địa VinFast, dịch vụ hậu mãi của họ rất hấp dẫn, ví dụ như chương trình sạc pin miễn phí tại các trạm sạc V-GREEN đến hết ngày 1/7/2025.
Chi phí vận hành xe điện nhìn chung khá cạnh tranh khi so sánh với xe truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao. Việc giới thiệu nhiều mẫu xe điện đa dạng, ở các phân khúc khác nhau từ các nhà sản xuất khác nhau đã mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Tiến sĩ Sơn nhận định: “Quá trình chuyển đổi sang xe điện đang vẫn sẽ tiếp tục, thậm chí với tốc độ nhanh, nhưng cần thời gian để các yếu tố quan trọng, như độ bền, độ an toàn, giá thành, điểm tiếp năng lượng được tiếp tục tối ưu hóa và cho thấy thuyết phục được nhóm người tiêu dùng khó tính hơn, ở các địa bàn khác”.
Điều này được chứng minh rõ nét hơn khi Tập đoàn Tài Chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) kí ý định thư tài trợ 500 triệu USD cho VinFast. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: “VinFast đã chứng minh cho tổ chức đầu tư lớn, nổi tiếng khắt khe như DFC thấy uy tín quốc tế, tiềm lực, đường hướng rõ ràng, khả năng thực hiện và đặc biệt là doanh nghiệp đủ tầm vóc để tạo sự thay đổi cho lĩnh vực di chuyển xanh”.
Điều được giới chuyên gia đánh giá cao ở VinFast là cách hãng xe Việt mang tới những lợi ích sát sườn cho người dùng trong hành trình chuyển đổi xanh. Mới nhất phải kể tới chương trình “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam” lần 2 đang được VinFast phát động với những chính sách hỗ trợ khách hàng chưa từng có như vay tối đa 70% giá xe, thời gian lên tới 8 năm với lãi suất được cam kết ở các mức 5%, 8%, 9,5% tùy giai đoạn.
Giới quan sát nhìn nhận, đây là những giải pháp thiết thực để truyền cảm hứng cho người dùng Việt. Bằng việc chủ động đứng ra nhận rủi ro tài chính, VinFast đang tạo điều kiện cho mọi tầng lớp khách hàng sở hữu ô tô điện, biến giấc mơ ô tô của nhiều người thành hiện thực, cũng như đóng góp trực tiếp vào tương lai xanh.
Về những hành động tiên phong của VinFast, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt hy vọng sự phổ cập của xe điện, từ đó giúp giảm ô nhiễm môi trường. Thực tế, theo ông, Hà Nội rất nhiều ngày lọt vào top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với nguyên nhân xuất phát phần nhiều từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
“Với xe điện VinFast, chúng ta không chỉ đặt ra câu chuyện kinh doanh mà xa hơn, đó là cách mỗi người Việt tự bảo vệ môi trường sống cho con cháu và nhiều thế hệ sau của mình”, TS Dũng cho hay.
Sự vươn mình mạnh mẽ của Vinfast đã góp phần thúc đẩy giao thông xanh và xa hơn là đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam công bố tại COP 28.
Như lời TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam đã "gây sửng sốt" cho thế giới với cam kết mạnh mẽ đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Theo ông, nhiều nước phát triển như Ấn Độ hay Trung Quốc cũng chỉ cam kết Net Zero vào năm 2060 - 2070, chậm hơn so với Việt Nam.
Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam không chỉ là hứa suông, mà dựa trên sự chuyển mình ngày càng mạnh mẽ ở trong nước, điển hình là những doanh nghiệp tiên phong như VinFast.
Cách VinFast tạo sự thay đổi xanh tại Việt Nam đến từ việc mang tới cho khách hàng những sản phẩm di chuyển xanh - thông minh, là kết tinh công nghệ cao.
Phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh. Đại hội Đảng lần thứ XI, XII và XIII đã xác định, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông thích ứng với biến đổi khí hậu là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội.
Một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển của thị trường là việc xác định rõ lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với ngành giao thông vận tải theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải.
Quyết định nêu rõ, giai đoạn 2022-2030 sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2025, có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, có 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2030, sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện. Đến 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước
Đến năm 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Báo cáo nghiên cứu về người tiêu dùng ô tô năm 2023 của Deloitte, đơn vị chuyên về kiểm toán cho thấy, có sự dịch chuyển trong nhu cầu sử dụng xe ô tô động cơ đốt trong sang các loại xe điện ở Việt Nam. Trong đó, hai dòng xe điện được người tiêu dùng Việt Nam cân nhắc nhiều nhất cho chiếc xe tiếp theo là xe hybrid sạc điện (xe có cả động cơ điện và động cơ đốt trong) với 18% và xe thuần điện 19%.
Minh Thành