Thứ sáu, 22/11/2024 00:21 (GMT+7)
Thứ tư, 20/12/2023 09:40 (GMT+7)

Bắc Ninh: Những đột phá và tăng tốc

Theo dõi KTMT trên

Sự năng động, cùng với những quyết tâm cao của hệ thống chính trị, nỗ lực đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Bắc Ninh đã tạo được những bước đột phá về quy mô kinh tế.

Bắc Ninh: Những đột phá và tăng tốc - Ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang và Tổng giám đốc Công ty nhà đất Hàn Quốc (LH) trao biên bản ghi nhớ dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, ngày 23/6/2023.

Mạnh mẽ đổi mới, sáng tạo trong chủ động

Kinh tế đối ngoại là điểm sáng trong thành tựu 25 năm xây dựng và phát triển, với dấu ấn nổi bật là thu hút vốn đầu tư từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, lĩnh vực điện tử đã tạo bước đột phá lớn cho hoạt động ngoại thương. Nhờ tích cực đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư cùng các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp nên thu hút đầu tư nước ngoài của Bắc Ninh tiếp tục khởi sắc.

Tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Ninh đồng thời đã điều chỉnh quá trình lựa chọn đột phá chiến lược trong từng giai đoạn để đưa công nghiệp vươn lên trình độ mới. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ được quan tâm và từng bước tạo điểm nhấn bứt phá, hình thành liên kết, kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước tạo nền tảng vững chắc và khẳng định vai trò đầu tàu về kinh tế.

Điểm nổi bật cho đầu tư phát triển là thu hút được vốn của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như Samsung, Canon, Hồng Hải, Nokia, Microsof... Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 2.109 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đạt 24,94 tỷ USD (đứng thứ tư cả nước về quy mô vốn đầu tư thu hút luỹ kế).

Điểm mới trong xúc tiến đầu tư và thu hút vốn là đẩy mạnh đầu tư gắn với phát triển bền vững các khu cụm công nghiệp, bảo đảm nhất quán trong chính sách thu hút hỗ trợ luôn sát cánh và đồng hành cùng các nhà đầu tư. Thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, đầu tư chất lượng cao và quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng.

Năm 2023, hoạt động ngoại giao kinh tế ở Bắc Ninh dường như bận rộn hơn với các cuộc “Gặp gỡ” “Đối thoại”, với hàng loạt đối tác tiềm năng trong và ngoài nước: Gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ; Đối thoại với doanh nghiệp FDI; Gặp gỡ Bắc Ninh - Nhật Bản; Hội nghị xúc tiến đầu tư các ngành điện tử Trung Quốc, tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ...

Trong năm 2023, quán triệt phương châm đối ngoại chủ động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, hợp tác với các địa phương, đơn vị cũng được đẩy mạnh, với việc ký kết Chương trình hợp tác phát triển Bắc Giang - Bắc Ninh; thành lập các đoàn công tác tìm hiểu cơ hội hợp tác và xúc tiến đầu tư tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... Tỉnh còn thành lập “Tổ công tác đặc biệt” và năm tổ chuyên gia giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn.

Mục tiêu và tăng tốc

Giai đoạn 1997-2010 là những năm tỉnh định hình mô hình phát triển kinh tế, với việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hình thành các khu công nghiệp tập trung, củng cố các cụm công nghiệp làng nghề, thu hút vốn đầu tư các tập đoàn kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Mỹ... nhằm xây dựng nền tảng.

Giai đoạn 2011-2021, với nền tảng của gần 15 năm trước cùng với sự gia tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp FDI, kinh tế Bắc Ninh có đà để tăng tốc.

Đến năm 2021, quy mô Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đã tăng lên 227,0 nghìn tỷ đồng, gấp gần 5 lần năm 2010 và gấp 54,1 lần năm 1997; chiếm 2,71% GDP cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ tư vùng đồng bằng sông Hồng.

Đây là dấu ấn quan trọng, đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế cả nước. Từ một tỉnh thuần nông, với nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, nhờ định hướng đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp với nhiều cơ chế, chính sách được vận dụng linh hoạt, đã góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế.

Tính chung 25 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt 13,9%/năm. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thấp nhất (+2,2%/năm); khu vực công nghiệp - xây dựng ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế với tốc độ tăng đạt 17,9%/năm, còn khu vực dịch vụ cũng đạt tốc độ tăng hai con số với 12%/năm.

Bắc Ninh: Những đột phá và tăng tốc - Ảnh 2
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu và doanh nghiệp Nhật Bản tại chương trình Gặp gỡ Bắc Ninh - Nhật Bản, ngày 17/11/2023.

Quy mô kinh tế mở rộng, cơ sở kinh tế tăng nhanh đã góp phần gia tăng các nguồn thu cho ngân sách. Từ năm 2011, Bắc Ninh là tỉnh thứ 13 tự cân đối và có điều tiết về ngân sách Trung ương (7%/năm). Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 33,26 nghìn tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1997-2021 là 23,7%/năm.

Vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2023, GRDP năm 2023 ước đạt 220,2 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành). Cơ cấu kinh tế: khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 72,18%; dịch vụ chiếm 20,68%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,88%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,26%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 27.966 tỷ đồng. Xuất khẩu ước đạt 40.342 triệu USD; nhập khẩu 33.280 triệu USD.

Định hình mô hình phát triển hợp lý, hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển về quy mô, Bắc Ninh không chỉ trở thành cực tăng trưởng vững chắc của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, mà đang ngày càng khẳng định vai đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Quốc gia.

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Bắc Ninh: Những đột phá và tăng tốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tỉnh Ninh Bình điều động, bổ nhiệm 2 giám đốc Sở
Ông Chu Đức Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Ninh Bình được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh. Ông Bùi Xuân Diệu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kim Sơn được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.