Bắc Kạn: Vận chuyển quặng ra khỏi khu vực thăm dò có gây thất thoát tài nguyên?
Hàng trăm tấn quặng chì kẽm được vận chuyển ra khỏi khu vực thăm dò đang có nguy cơ gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường…
Phát triển bền vững là mối quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Trong tiến trình phát triển của thế giới, mỗi khu vực và quốc gia xuất hiện nhiều vấn đề bức xúc mang tính phổ biến. Kinh tế càng tăng trưởng thì tình trạng khan hiếm các loại nguyên nhiên liệu, năng lượng do sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo được càng tăng thêm, môi trường thiên nhiên càng bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, thiên nhiên gây ra những thiên tai vô cùng thảm khốc.
Vì vậy, quá trình phát triển cần có sự điều tiết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an ninh xã hội và bảo vệ môi trường. Việc phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hướng đến phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đề ra. Đây cũng là những việc làm mà Tạp chí Kinh tế Môi trường đang hướng tới trong công tác thông tin tuyên truyền.
Thời gian gần đây, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản quy mô nhỏ đang diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Do vốn đầu tư của các doanh nghiệp này hạn chế, khai thác bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới, công nghệ lạc hậu và nhất là chạy theo lợi nhuận, ý thức chấp hành luật pháp chưa cao nên các chủ cơ sở ít quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, để lại nhiều hậu quả xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, không ít các công ty hoạt động không tuân thủ dự án, thiết kế và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thậm chí, nhiều nhiều khu vực ngang nhiên khai thác khoáng sản trái phép làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững...
Vấn đề này đặt ra thách thức không nhỏ trong việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả và bền vững của doanh nghiệp, cũng như vai trò quản lý nhà nước ở các cấp...
Mới đây, tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được phản ánh của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn về việc một đơn vị vận chuyển số lượng lớn quặng kẽm chì ra khỏi khu vực mới chỉ được cấp phép thăm dò.
Hoạt động này có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên và nguy hiểm tính mạng cho chính những người tham gia vận chuyển. Bởi những chiếc xe tự chế không đăng ký, đăng kiểm chở tới 3 - 4 tấn quặng xuống những con dốc đá dựng đứng trơn trượt.
Theo ghi nhận của Nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường những ngày cuối tháng 4/2024, tại khu vực Bó Nặm, thôn Bó Pia, xã Quảng Bạch huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Việc vận chuyển quặng chì kẽm dạng thô đang diễn ra. Nằm giữa một đống quặng lớn là chiếc máy xúc cỡ nhỏ đang hối hả vục lên thùng xe những gầu quặng nặng chịch có màu nâu sẫm, ẩm ướt.
Nhiều khối lượng quặng mới đưa lên khỏi mặt đất, được lấy từ một hang đá, có chiều sâu thẳng đứng hàng chục mét. Trên cửa hang được người ta ghép 1 giàn bằng gỗ và lắt đặt khung sắt 3 chân vững chắc để lắp đặt ròng rọc, hệ thống tời có đường dây cáp dẫn thẳng xuống lòng hang. Cạnh đó là máy nổ cùng các thiết bị phục vụ quá trình khai thác nằm la liệt gần lều lán được dựng cách cửa hang không xa.
Theo người dân, hang đá này có chiều sâu thẳng đứng tới vài chục mét, sau đó xiên ngang vào trong lòng núi tới hàng mét. Chẳng biết thông đi tới đâu? nhưng trước đây người dân trong thôn Bó Pia cũng đã từng khai thác quặng thổ phỉ từ trong chính cái hang này, nên nói đến nó thì nhiều người biết.
Khi được hỏi chở vật liệu gì và chở cho ai? mỗi chuyến xe như thế này thì cõng được mấy tấn? Người tài xế lái chiếc xe tự chế kiểu dáng như công nông đầu dọc này trả lời: Đây là quặng kẽm chì được lấy từ trong hang đá ra, bọn tôi chỉ là người làm thuê cho Công ty thôi, một chuyến chở khoảng trên 3,5 tấn và mỗi ngày chỉ chở được từ 7 tới 9 chuyến thôi vì đường dốc lắm mà trời lại mới mưa nữa.
Theo chân chiếc xe này, mới thấy độ dốc khủng khiếp ở những đoạn cua, khiến chiếc xe chở nặng nhiều lúc phải dừng hẳn lại để lấy lái rồi mới tiếp tục bò xuống từng tí một, vì chỉ cần sơ sểnh là xe sẽ bị quay ngang hoặc trật bánh lao cả người lẫn hàng xuống vực vô cùng nguy hiểm.
Điểm tập kết quặng kẽm chì, chính là khu vực được cho là kho chứa mìn của đơn vị khai thác. Đống quặng lớn có khối lượng lớn này được kè đá phía dưới và lót vải bạt cẩn thận, ngay cạnh đó là một ngôi nhà được xây dựng kiểu dáng cấp 4 áp lưng vào vách núi đá. Phía trước có cửa sắt khóa kín.
Theo người dân phản ánh, hoạt động thăm dò được diễn ra ở khu Bó Nặm được khoảng hơn 1 năm nay. Đơn vị thăm dò khoáng sản là công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn, thời gian khai thác thăm dò là 36 tháng, được cấp phép năm 2023.
Sau khi ghi nhận tại hiện trường. Ngày 26/4, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Quảng Bách. Ông Nông Văn Thẩm - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Vừa qua, cơ quan chức năng cũng nhận được phản ánh của người dân về vấn đề trên, đoàn liên ngành của UBND huyện Chợ Đồn đã tổ chức kiếm tra và lập biên bản vụ việc trên".
Qua trao đổi, ông Thẩm xác nhận, vị trí tập kết khoáng sản tại kho mìn là nằm ngoài khu vực được cấp phép thăm dò. Từ kho mìn lên khoảng gần 1km mới tới khu vực được cấp phép thăm dò với diện tích 10 hecta.
Ngày 3/5, Phóng viên đã liên hệ trao đổi, cung cấp thông tin với ông Đặng Đình Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn về vụ việc trên. Qua trao đổi, ông Phong cho hay: “Tôi sẽ cho cán bộ kiểm tra ngay và sẽ trả lời sau khi có báo cáo. Cảm ơn cơ quan báo chí đã thông tin”.
Đến chiều cùng ngày, trao đổi lại với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Trần Đức Trung Thiên – Trưởng phòng TN&MT huyện Chợ Đồn cho biết: “Trong tháng 4/2024, văn phòng cũng nhận được thông tin tại vị trí kho mìn có tập kết khoáng sản, sau đó, tổ liên ngành cũng đã hợp với UBND xã Quảng Bạch lên kiểm tra thực địa. Qua quá trình kiểm tra cũng ghi nhận tại khu vực kho mìn có một đống khoáng sản và đã mời đại diện Công ty TNHH Hoàng Nam xuống làm việc. Qua đó họ cho biết, đơn vị đang dùng kho mìn để chứa vật liệu thăm dò, lượng khoáng sản tại đây là trong quá trình thu gom vận chuyển tập kết để chờ đăng ký khối lượng với sở TN&Mt tỉnh Bắc Kạn theo quy định”.
Trả lời câu hỏi về vấn đề: Hiện tại đơn vị thi công đang khai thác, vận chuyển số lượng khoáng sản được cho là “mẫu công nghệ” vượt quá khối lượng cho phép theo đề án thăm dò lên tới vài trăm tấn? Vị Trưởng phòng TN&MT huyện Chợ Đồn cho hay: Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị thi công báo cáo khối lượng rơi vào khoảng 60 tấn và đúng theo kích thước cụ thể đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra hôm đó.
Sau thời điểm kiểm tra, đơn vị thi công cũng chỉ cung cấp được giấy phép thăm dò còn các hồ sơ khác thì không có. Dựa trên cơ sở đó, UBND huyện Chợ Đồn đã yêu cầu đơn vị không được vận chuyển nữa và có công văn đăng ký khối lượng gửi sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn để kiểm tra khối lượng và thời gian vận chuyển; Giao UBND xã Quảng Bạch kiểm tra và giám sát quá trình thăm dò của đơn vị; Yêu cầu Công ty TNHH Hoàng Nam thực hiện nghiêm theo giấy phép và đề án thăm dò”.
Liên quan vấn đề trên, ông Thiên cũng cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại (3/5/2024 - PV), Phòng TN&MT huyện Chợ Đồn chưa nhận được công văn nào từ phía Công ty cũng như văn bản chấp thuận hoạt động vận chuyển của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Thế nhưng theo ghi nhận của Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường ngày 25 – 26/4/2024, Công ty TNHH Hoàng Nam vẫn thực hiện quá trình vận chuyển và tập kết khoáng sản về khu vực kho mìn với số lượng lớn.
Để thông tin được khách quan, ngày 9/5/2024, Phóng viên đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn để tìm hiểu thêm về vụ việc. Qua quá trình làm việc với ông Công Minh Tiến - Đại diện Công ty Hoàng Nam nói rằng: "Trong đề án của công ty đều có hồ sơ tại Sở TNMT. Tuy nhiên, có một vấn đề là đăng ký khối lượng ở đây là khối lượng và phương pháp lấy mẫu thì còn liên quan đến quá trình vận chuyển khối lượng mẫu. Khi đó, công ty sẽ có một văn bản báo cáo điều đó khi thực hiện".
"Còn đối với việc vận chuyển mẫu xuống khu vực kho mìn là việc công ty đang thực hiện việc an toàn trong quá trình vận chuyển ra lò. Việc di chuyển xuống lò rất là khó nên công nhân bốc tay những mẫu phẩm thu được để vận chuyển đến vị trí an toàn. Nếu cứ nhấc bên này đẩy sang bên kia trong cửa lò thì rất khó khăn và tốn nhiều công sức. Để xong quá trình lấy mẫu, nắm bắt rõ các thành phần khi đó mọi việc sẽ cụ thể", ông Tiến cho hay.
Trao đổi với PV ngày 14/5/2024, ông Nguyễn Phúc Đán - Trưởng phòng Khoáng sản - Tài nguyên nước thuộc sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn khẳng định: Đến thời điểm hiện tại (ngày 13/5), sở TN&MT chưa nhận được văn bản đăng ký khối lượng mẫu công nghệ, phương thức vận chuyển của Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn cũng như văn bản chấp thuận về việc vận chuyển khoáng sản tập kết tại khu vực kho mìn...
Việc khai thác, vận chuyển khoáng sản tại Bó Nặm, thôn Bó Pia, xã Quảng Bạch huyện Chợ Đồn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ATVSLĐ khi công nhân vận chuyển chưa được trang bị bảo hộ, phương tiện có dấu hiệu không được đăng ký đằng kiểm. Ngoài ra, vấn đề về việc tập kết khoáng sản ra ngoài vị trí được cấp phép cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường.
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn cần vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) và có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.
Theo các chuyên gia, sau 14 năm thực thi Luật Khoáng sản 2010, nhiều nội dung, quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện.
Cụ thể, trong quá trình thực thi Luật Khoáng sản 2010 chưa quy định cụ thể việc liên doanh, liên kết trong hoạt động khai thác khoáng sản; chưa có quy định đồng bộ với pháp luật về đầu tư để kiểm soát khi có sự thay đổi về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, điều này gây nên tình trạng bán lại dự án, thay đổi chủ đầu tư khó kiểm soát; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép khai thác trong việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác thực tế,…
Đặc biệt, là trách nhiệm phối hợp quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố nhất là đối với hoạt động khoáng sản cát, sỏi lòng sông, đang đưa vấn đề này trở thành “điểm nóng” khi nạn cát tặc ở vùng giáp ranh lâu nay không thể kiểm soát. Chính từ những “lỗ hổng” này, nhiều tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, đánh cắp và tình trạng vi phạm trong lĩnh vực khai thác, buôn bán tài nguyên, khoáng sản ngày một gia tăng.
Không chỉ vậy, có chuyên gia còn cho rằng chế tài và quy định pháp luật về xử phạt các hành vi vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tiễn, rất khó khăn cho việc xử lý hình sự các vụ việc vi phạm, mà chỉ dừng ở xử lý hành chính thì chưa đủ sức răn đe dẫn đến thực trạng, do lợi nhuận từ hoạt động khai thác trái phép cao, nên một bộ phận dân cư vẫn vi phạm pháp luật cho thuê đất, thuê rừng, thuê nhà để san gạt khai thác khoáng sản trái phép…
Vậy nên, theo các chuyên gia muốn giải quyết được những “lỗ hổng” trong quản lý khai thác khoáng sản, cần sớm rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý.
Nhóm Phóng Viên