Bắc Kạn: Cần làm rõ bãi tập kết quặng giữa khu dân cư bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường
Một bãi tập kết quặng "mọc" lên giữa khu dân cư đông đúc đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại thôn Bó Pja, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Vận chuyển quặng gây ô nhiễm môi trường
Tài nguyên khoáng sản thường tập trung trong một khu vực gọi là mỏ khoáng sản. Tài nguyên khoáng sản có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của con người và khai thác sử dụng khoáng sản có tác động mạnh mẽ đến môi trường sống.
Theo đó, ở điều kiện hiện tại, con người có đủ khả năng khai thác các nguyên tố có ích hoặc sử dụng trực tiếp chúng trong đời sống hàng ngày.
Một mặt, khoáng sản là nguồn vật chất tạo nên các dạng vật chất có ích và của cải cho con người. Mặt khác, việc khai thác tài nguyên khoáng sản cũng thường tạo ra các loại chất ô nhiễm như bụi, kim loại nặng, các hóa chất độc và hơi khí độc (SO2, CO, CH4...).
Căn cứ theo dạng tồn tại, tài nguyên khoáng sản bao gồm: Rắn, khí (khí đốt, Argon, He), lỏng (Hg, dầu, nước khoáng). Theo nguồn gốc, khoáng sản được chia thành 2 loại: Khoáng sản nội sinh (sinh ra trong lòng Trái Đất) và ngoại sinh (sinh ra trên bề mặt Trái Đất).
Theo thành phần hóa học, khoáng sản bao gồm khoáng sản kim loại (kim loại đen, kim loại màu, kim loại quý hiếm), khoáng sản phi kim (vật liệu khoáng, đá quý, vật liệu xây dựng), khoáng sản cháy (than, dầu, khí đốt, đá cháy).
Tuy nhiên, do hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản đã gây ra các vấn đề tác động tới môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Trong đó, hậu quả nghiêm trọng nhất là làm mất đất, mất rừng, ô nhiễm nước, ô nhiễm bụi, khí độc, lãng phí tài nguyên. Quá trình vận chuyển, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm bụi, khí, nước và chất thải rắn. Đồng thời, sử dụng khoáng sản sẽ gây ra ô nhiễm không khí (SO2, bụi, khí độc...) và ô nhiễm nguồn nước.
Do đó, hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường trong khai thác và sử dụng khoáng sản Việt Nam đòi hỏi phải quan tâm đến các khía cạnh sau:
Thứ nhất, phải hạn chế tổn thất tài nguyên và tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác, chế biến.
Thứ hai, điều tra chi tiết, quy hoạch khai thác và chế biến khoáng sản, không xuất thô các loại nguyên liệu khoáng, tăng cường tinh chế và tuyển luyện khoáng sản.
Thứ ba, cần đầu tư kinh phí xử lý chất ô nhiễm phát sinh trong quá trình khai thác và sử dụng khoáng sản như xử lý chống bụi, chống độc, xử lý nước thải, quy hoạch xây dựng các bãi thải.
Tuy nhiên ở một số địa phương, hoạt động khai thác, chế biến và sản xuất quặng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trong những ngày cuối tháng 10/2023, Nhóm phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có mặt tại thôn Bó Pja, xã Quảng Bạch (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) và ghi nhận thực tế về tình trạng tập kết khoáng sản giữa khu dân cư gây ô nhiễm bụi bặm tiếng ồn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn khi những đoàn xe chen chúc ra vào bãi để vận chuyển quặng.
Theo quan sát, chiều tối ngày 21/10/2023, Bãi chung chuyển tập kết quặng nằm giữa khu dân cư thôn Bó Pja, xã Quảng Bạch, xung quanh bãi được quây bằng tôn có cổng ra vào, sát với hành lang đường tỉnh lộ ĐT-254.
Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc phía trước cổng ra vào của bãi tập kết khoáng sản gần như bị chặn kín mít, bởi đoàn xe ben tải loại lớn án ngữ chờ đợi đến lượt vào xúc quặng. Không những thế mặt đường tỉnh lộ ĐT-254 còn được tưới đẫm nước để giảm bụi ở ngay khúc cua có độ dốc thoai thoải gây trơn trượt vô cùng nguy hiểm. Do khuất tầm nhìn, nhiều phương tiện tham gia giao thông còn phải dừng hẳn lại loay hoay tìm lối thoát.
Những chiếc xe ben tải loại đầu kéo, sau khi được máy xúc đắp quặng lên cao có ngọn vượt thành thùng thì lần lượt ì ạch bò ra khỏi bãi và rồ ga hướng về phía thị trấn Bằng Lũng thải lại phía sau những quầng khói đen kịt khét nẹt.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về khói bụi tiếng ồn là 2 gia đình ông Hoàng Ngọc Đốc và ông Hoàng Văn Đức có nhà ở ngay sát phía sau bãi tập kết. Trao đổi với PV, cả hai ông đều bức xúc cho biết: Chúng tôi đã rất nhiều lần có ý kiến với Công ty và phản ánh với chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm môi trường này, nhưng cũng chỉ được một thời gian rất ngắn rồi đâu lại vào đấy.
Người ta hoạt động suốt ngày đêm, đổ quặng rầm rầm cuốn bụi mù mịt rồi rửa xe thải nước vô tội vạ. Nếu họ chỉ làm tới khoảng 21 hoặc 22 giờ đêm thì chúng tôi cũng không nói làm gì. Đằng này 1 – 2 giờ sáng vẫn ẫm ĩ xe cộ ra vào tấp nập không thèm để ý tới đời sống sinh hoạt của người dân sở tại.
Tương tự như vậy , một số bà con sống quanh khu vực này cũng chỉ biết chép miệng thở dài một cách ngao ngán vì bây giờ không còn biết kêu ai được.
Bãi tập kết đặt ở nơi chật hẹp giữa khu dân cư mà suốt ngày đêm xe cộ rầm rập, đỗ đậu tuỳ tiện tràn lan hết cả ra lòng đường. Đèn pha chiếu rọi không không thương tiếc ở ngay một khúc cua, nhưng đã được tồn tại nhiều năm mà không hề có biện pháp di dời hay giải quyết dứt điểm.
Doanh nghiệp nói gì?
Khi được hỏi về các thủ tục pháp lý liên quan đến bến bãi trung chuyển tập kết khoáng sản trên địa bàn nằm xen kẽ khu dân cư thôn Bó Pja là của đơn vị nào? Ông Nông Văn Thẩm, Chủ tịch UBND xã Quảng Bạch cho biết: "Bãi tập kết khoáng sản là của Công ty TNHH Đức Bảo. Công ty này đã ký hợp đồng với Công ty Matexim chịu trách nhiệm vận chuyển quặng sắt từ mỏ đến bãi tập kết, sau đó Công ty Đức Bảo tiếp tục vận chuyển đi tiêu thụ".
"Trong quá trình vận chuyển và tập kết khoáng sản, UBND xã cũng nhận được phản ánh về vấn đề đơn vị hoạt động đến 1 - 2h sáng, bụi bặm... Ngay sau đó UBND xã cũng đã kiểm tra và đã có nhắc nhở Công ty Đức Bảo trong việc đảm bảo môi trường và vận tải", ông Thẩm cho hay.
Để thông tin được khách quan, PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ với ông Nguyễn Hữu Thìn, đại diện Công ty Đức Bảo để trao đổi thêm về những phản ánh liên quan.
Qua trao đổi, ông Thìn cho biết: "Thời gian gần đây, Công ty Đức Bảo cũng không nhận được thông tin phản ánh nào của người dân. Còn về vấn đề hoạt động trên địa bàn, bến bãi cũng đã được cơ quan cấp phép. Nói về ô nhiễm thì mặt hàng đấy nó chỉ như đất thôi chứ không qua tuyển từ mà liên quan đến hóa chất để ảnh hưởng đến môi trường".
Về vấn đề phản ánh của hộ gia đình nhà ông Đốc và ông Đức, vị đại diện Công ty cũng cho biết thêm: "Hai hộ gia đình trên cũng đã có đơn kiện cáo đối với Công ty mấy năm nay, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết xong".
Trước đó, vào năm 2020, có kiến nghị của cử tri và Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn phản ánh nội dung về việc không đảm bảo môi trường từ các bãi trung chuyển quặng tại thôn Bó Pja, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiểm tra và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản chỉ đạo số 5167 ngày 01/9/2020 về việc thực hiện các quy định pháp luật đối với các điểm tập kết khoáng sản trên địa bàn huyện Chợ Đồn và yêu cầu dừng đổ quặng tại khu vực thôn Bó Pja, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn (bao gồm: Bãi trung chuyển quặng ô xít kẽm của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn; Bãi trung chuyển quặng sắt từ mỏ sắt Bản Quân của Chủ hộ kinh doanh là bà Đỗ Thị Phương Lan) và giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Chợ Đồn kiểm tra, xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền, quy định; các bãi trung chuyển, điểm tập kết khoáng sản chỉ được hoạt động khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện, thủ tục theo quy định.
Sau đó, bãi trung chuyển quặng ô xít kẽm của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn đã ngừng hoạt động, còn Bãi trung chuyển quặng Đức Bảo, UBND huyện Chợ Đồn đã tổ chức kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 2.500.000 đồng tại Quyết định số 2657 ngày 21/9/2020 và đề nghị hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan, đất đai, môi trường theo quy định.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và những hình ảnh của PV Tạp chí Kinh tế môi trường ghi nhận vào các ngày cuối tháng 10/2023 cho thấy, việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông cũng như vệ sinh môi trường của đơn vị có địa điểm tập kết chung chuyển khoáng sản tại thôn Bó Pja xã Quảng Bạch vẫn chưa được đảm bảo. Cùng với đó là hoạt động vào ban đêm gây tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và đời sống của người dân trong vùng.
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn sớm vào cuộc kiểm tra và xử lý các vi phạm (nếu có) để trả lại cuộc sống yên bình cho người dân nơi đây.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, môi trường không khí có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe con người và tất cả các hệ sinh thái trên trái đất. Con người có thể “nhịn ăn từ 7 đến 10 ngày, nhịn uống từ 2 đến 4 ngày, nhưng chỉ nhịn thở từ 3 đến 5 phút là có thể tử vong”. Sống và làm việc trong môi trường không khí bị ô nhiễm, nhất là bị ô nhiễm nặng, con người sẽ bị các bệnh về đường hô hấp (là chủ yếu), làm trầm trọng thêm bệnh tim mạch và bệnh thần kinh, nguy hiểm nhất là bị bệnh ung thư phổi. Theo số liệu của WHO thì tổng số người chết bệnh tật (chết non) do ô nhiễm không khí gây ra trên thế giới mỗi năm từ 3,5 đến 7 triệu người.
Cũng theo số liệu của WHO, tại Việt Nam, ô nhiễm không khí khiến khoảng 50.000 người tử vong mỗi năm và gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 240.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4% - 5% GDP quốc gia, trong đó ô nhiễm không khí trong nhà đóng góp khoảng 50% nguyên nhân gây các bệnh tật chết người đó. Khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tỉ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25% do ô nhiễm không khí. Cho nên ô nhiễm không khí được coi là “kẻ giết người thầm lặng” và chất lượng không khí là vô cùng quý giá. Việc kiểm soát ô nhiễm không khí xung quanh cũng như không khí trong nhà hiện nay là rất cấp bách.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Đỗ Tuấn