Bắc Bộ chuẩn bị vào đợt nắng nóng mới, chỉ số tia UV gây hại rất cao
Dự báo từ ngày 15-17/6, chỉ số tia cực tím cực đại tại các tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (mức 8-10), nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày 14/6, chỉ số nóng bức (HI-Heat Index) và chỉ số tia cực tím (UV) tại các tỉnh, thành thuộc khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao, từ 8.5 đến 9.5. Đối với các tỉnh, thành thuộc khu vực Trung Bộ ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao, từ 6 đến 6.8.
Cụ thể, chỉ số tia cực tím đạt mức cực đại lúc 12h trong ngày như sau: TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) ở mức 9.1; TP.Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội ở mức 8.5; thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) ở mức 5.9; TP.Đà Nẵng ở mức 5.5; thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) ở mức 6.8; TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) ở mức 9.0; TP.Cần Thơ ở mức 9.3.
Riêng TP.HCM và TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) có chỉ số tia UV cao nhất cả nước, ở mức 9.5.
Dự báo, từ ngày 15/6 đến ngày 17/6, chỉ số tia cực tím cực đại tại các tỉnh, thành thuộc khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (mức 8-10); các tỉnh, thành thuộc khu vực Trung Bộ có dao động nhẹ và đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao đến rất cao (mức 6-9).
Theo các chuyên gia da liễu, tia UV trong ánh nắng mặt trời là nhân tố chính tấn công và gây tổn thương đến làn da như gây lão hóa da, làm tổn thương tế bào trên các lớp da, gây khô da, tăng sắc tố, bỏng da, làm hư hại lớp đệm là sợi collagen. Tia tử ngoại UV có thể làm tổn thương ADN, dần dần sinh ung thư da.
Thời điểm chỉ số UV đạt đỉnh trong ngày là từ 10h-14h. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường vào thời điểm này, vì ánh nắng sẽ gây nguy hiểm nhất cho làn da.
Ở các khu vực biển, mặt nước sẽ bức xạ ánh sáng mặt trời nên chỉ số UV sẽ cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Những người có tiền sử ung thư da thì làn da sẽ nhạy cảm với tia UV hơn nên cần cảnh giác và có biện pháp phòng hộ kỹ lưỡng hơn so với khuyến nghị chung.
Cũng trong ngày 14/6, chỉ số nóng bức cực đại tại Thủ đô Hà Nội, TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), TP.Đà Nẵng, TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), TP.HCM tiếp tục đạt mức 32-41 (mức đặc biệt cẩn trọng). Với mức nhiệt này, người dân có khả năng bị say nắng, kiệt sức nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của rìa phía Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây phân tích trên kết hợp với hiệu ứng phơn nên ngày mai (15/6), ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 35-37 độ; riêng vùng núi phía Tây khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ.
Từ ngày 16/6, nắng nóng sẽ xảy ra trên diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi nắng nóng gay gắt trên 38 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày trong đợt nắng nóng này phổ biến 45-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-17 giờ.
Cảnh báo từ ngày 19/6, nắng nóng gay gắt gia tăng ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Trong đó, đợt nắng nóng ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 21/6; ở khu vực Trung Bộ có khả năng sẽ kéo dài lâu hơn.
Lan Anh