Ba Bộ cùng vào cuộc để gỡ khó cho lưu thông hàng hóa, nông sản
Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh, thành phố cùng vào cuộc để gỡ khó cho hàng hóa, nông sản.
Chiều ngày 25/8/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GTVT, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh, thành phố về tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, vận chuyển nông sản trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Lưu thông hàng hóa nông sản gặp khó
Theo đánh giá, sau khi một số địa phương áp dụng những biện pháp tăng cường, nâng cao trong công tác phòng chống dịch, dẫn đến công tác đi lại, vận chuyển hàng hóa đang có nhiều sự khó khăn. Tại thành phố Cần Thơ, việc đưa ra một số yêu cầu như phải đăng ký trước với ngành Công thương rồi mới trung chuyển hàng hóa trước khi đưa vào đã gây ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa đặc biệt là hàng nông sản, thiết bị, vật tư y tế thiết yếu. Ngoài ra, một số địa phương còn yêu cầu lái xe đã có giấy nhận diện phải có giấy đi đường do địa phương cấp…
Theo Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTN, do một số địa phương khi triển khai vẫn chưa thực sự thống nhất, còn có những quy định cá biệt, chưa đúng tinh thần chỉ đạo chung nên công tác vận tải hàng hóa, đặc biệt là nông sản gặp nhiều khó khăn.
Ông Phùng Đức Tiến cho biết, sản xuất nông sản tương đối dồi dào nhưng nếu không có sự chuẩn bị tốt, dự phòng tốt thì nguy cơ bị thiếu là rất cao, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Một số chuỗi sản xuất nông sản bị đứt gẫy, sản xuất 03 tại chỗ cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà máy giết mổ, chế biến có công nhân bị F0 dẫn đến dừng sản xuất.
Hiện nay tại các tỉnh miền Nam đang áp dụng chỉ thị 16, các chợ đầu mối, chợ dân sinh đang dừng hoạt động. Bên cạnh đó, bếp ăn công trường, nhà máy, khu công nghiệp dừng hoạt động hoặc giảm công suất dẫn đến tiêu thụ hàng hóa nông sản giảm mạnh (trong khi đến 65-70% sản lượng nông sản tiêu thụ tại đây). Giá vật tư đầu vào như vật tư, thú ý, thức ăn gia súc, phân bón… tăng cao, chi phí logistic tăng, container rỗng thiếu… dẫn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Do nhu cầu giảm, trong khi sản phẩm nông nghiệp tính đặc thù cao, có tính thời vụ nếu ko kịp thời lưu thông, chế biến sẽ quá lứa, quá thời hạn, chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng chuỗi giá trị gia tăng của hàng hóa nông nghiệp. Hiện nay, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cơ bản là thuận tiện tuy nhiên các tuyến đường huyện lộ, đường liên huyện, liên xã, hoặc đường tiếp cận cấp xã, thôn thì đi lại vô cùng khó khăn. Trong 03 ngày nay, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, hay như Cần Thơ khi phương tiện đã có giấy nhận diện QR Code, người trên xe có giấy xét nghiệm nhưng vẫn không cho lưu thông vào, cá biệt như Cần Thơ, có doanh nghiệp vận tải cung cấp bao bì đóng gói trứng 02 ngày nay không đi vào được dẫn đến thiếu trứng cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh (nhu cầu khoảng 1 triệu quả/ 1 ngày), phương tiện chở vật tư nông nghiệp bị ách tắc dẫn đến thiếu nguyên liệu để sản xuất…trong khi nhu cầu là rất lớn. Nhiều địa phương yêu cầu lái xe phải có giấy xét nghiệm PCR có giá trị trong vòng 48 tiếng, không thống nhất với quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế…
Ông Tiến nhấn mạnh cần phải quán triệt tư tưởng, nhận thức chung để thống nhất thực hiện, không để ùn ứ hàng hóa, ảnh hưởng tiêu thụ do thiếu nhất quán trong triển khai thực hiện của các địa phương.
Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Trần Duy Đông cũng khẳng định, hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo thì đường nào cũng là luồng xanh, chỉ không được phép vận chuyển hàng hóa bị cấm nên đề nghị các tỉnh phải rà soát lại các văn bản chỉ đạo trái với tinh thần của Chính phủ, Bộ GTVT. Theo ông Đông, các địa phương yêu cầu phải có giấy xét nghiệm PCR trong vòng 48 tiếng, hoặc yêu cầu lái xe có giấy xét nghiệm còn hiệu lực vẫn phải xét nghiệm nhanh trước khi lưu thông qua địa bàn như An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu là không hề có căn cứ khoa học nào mà chỉ gây thêm bức xúc, ùn tắc và gây tâm lý chán nản không muốn đi làm của đội ngũ lái xe trong khi lực lượng này đang thiếu hiện nay.
Trước các thông tin báo chí đã phản ánh và trước bức xúc được các Bộ nêu ra tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ lý giải: “Trước đây mỗi ngày có khoảng 15.000-16.000 xe đi trên địa bàn, khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 thì mỗi ngày khoảng 4000 xe đi qua trung tâm thành phố. Áp dụng biện pháp tăng cường thì giảm xuống còn khoảng 2000 - 2500 xe đi vào trung tâm, 800 xe đi ngang trung tâm. Theo ông Hè, nếu để như hiện nay có trên 3000 điểm giao nhận hàng hóa trong trung tâm thành phố thì không kiểm soát được. Đại diện thành phố Cần Thơ khẳng định việc yêu cầu đăng ký trước không phải gia tăng thủ tục hành chính, không phải thêm điều kiện, mà chỉ là giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, phương tiện có nhu cầu đi qua thành phố được lưu thông.
Lý do không thuyết phục!
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ngay lập tức phản biện ý kiến của đại diện của thành phố Cần Thơ. Bộ trưởng Thể cho rằng Cần Thơ là thủ phủ miền Tây Nam Bộ, là điểm trung chuyển lớn, nhũng trục quốc lộ quan trọng đều đi qua thành phố. Việc mỗi ngày chỉ khoảng 3000 - 4000 phương tiện đi, đến và đi qua thành phố là không lớn. Thậm chí theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, UBND thành phố Cần Thơ đang "gây khó khăn" cho các tỉnh miền Tây. Người đứng đầu Bộ GTVT đồng thời cho rằng, lãnh đạo Cần Thơ cần có những tính toán mới để tháo gỡ tình trạng ách tắc của xe chở hàng hóa, nông sản đi qua địa phương này.
"Những tác động, ảnh hưởng đến khâu lưu thông, tiêu thụ, khi báo chí đã nêu, doanh nghiệp người dân bức xúc thì chứng tỏ chính sách, giải pháp của chúng ta chưa thực sự hiệu quả, cho nên các anh cũng phải tính toán lại thật kỹ, rà soát và phải có sự điều chỉnh ngay, để không “trái” với những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành”, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, tại thời điểm này phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu trừ hàng cấm, tất cả đều là quan trọng. Tất cả các tuyến đường bộ là luồng xanh để phục vụ vận chuyển hàng hóa, tất cả các tuyến đường thủy cũng đều là luồng xanh. Bộ trưởng nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm văn bản 1015 của Thủ tướng Chính phủ và 5187 của VPCP, triển khai tại địa phương không được trái với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ. Các địa phương cần rà soát lại, nếu có điều chỉnh cũng phải hợp lý. Công tác vận tải cần được thực hiện trên nguyên tắc, tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa đều được lưu thông; cấp mã QR code là để tạo ưu tiên khi qua chốt, chỉ tiền kiểm, hậu kiểm và xử lý nghiêm minh với các vi phạm. Khi tổ chức kiểm soát phải đảm bảo không được để ùn tắc giao thông kéo dài, nghiêm trọng, nếu xảy ra ùn tắc phải xả chốt ngay để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây bức xúc cho lái xe và ách tắc hàng hóa. Việc cấp QR Code phải tự động toàn bộ, lái xe, chủ phương tiện chủ động cập nhật thông tin nếu có sự thay đổi mà không cần phải làm lại hồ sơ cấp QR Code.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương thống nhất về công nhận kết quả xét nghiệm âm tính của phương pháp RT-PCR và Test nhanh kháng nguyên và có hiệu lực trong 72h; cần phải quan tâm đúng mức về việc ưu tiên tiêm Vaccine cho đội ngũ lái xe, phục vụ theo xe, đội ngũ bốc xếp hàng hóa; không yêu cầu cấp giấy đi đường đối với lái xe mà phương tiện đã được cấp giấy nhận diện. Không tổ chức trung chuyển hàng hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị các địa phương phải tăng cường lắng nghe, theo dõi thông tin từ các cơ quan truyền thông báo chí, dư luận để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh qua đó kịp thời điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Khi đưa ra các biện pháp, quy định cần phải đánh giá kỹ những phát sinh không cần thiết, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Đào Bích