Thứ sáu, 19/04/2024 15:04 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/02/2020 07:43 (GMT+7)

Áp lực môi trường gia tăng

Theo dõi KTMT trên

Khi Việt Nam tiếp tục được Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) 2019 bình chọn là "Điểm đến hàng đầu Châu Á", ngành du lịch đã khẳng định vị thế ngày càng lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thế nhưng, sự tăng trưởng của ngành du lịch vẫn tồn tại những yếu tố chưa thực sự bền vững, bởi những tác động đến môi trường chưa được giải quyết ổn thỏa.

Môi trường du lịch chịu nhiều áp lực

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm qua, hoạt động du lịch đạt kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm trước và là mức cao nhất từ trước đến nay. Ngay trong tháng 1/2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 1.994,1 nghìn lượt người, tăng 16,6% so với tháng 12/2019 và tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sự phát triển của du lịch Việt đã thấy rõ, song những tác động của du lịch đến môi trường, cảnh quan, xã hội cũng hiện hữu. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chỉ rõ: Phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp; chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu... Việc phát triển quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch. Tại nhiều khu, điểm du lịch xuất hiện các chất thải rắn, nước thải chưa thu hồi, xử lý triệt để, việc phát triển du lịch làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt, ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, dịch vụ du lịch xả trực tiếp vào môi trường, làm tăng mức độ hữu cơ nước biển ven bờ; khiến môi trường xuống cấp, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

Áp lực môi trường gia tăng - Ảnh 1
Du lịch xanh đang là xu hướng mới được nhiều du khách hưởng ứng.

Minh chứng cho những nhận định này, thông tin từ UBND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi cho thấy, trong khi năm 2014, lượng du khách chỉ đạt 36.000 người, thì đến năm 2018, Lý Sơn đón trên 230.000 lượt khách, có những ngày cao điểm lên đến 5.000 lượt khách. Năm 2019, Lý Sơn đón gần 265 ngàn lượt khách, tăng gấp 1,15 lần so với cùng kỳ, trong đó có 1.800 khách quốc tế. Theo tính toán của phòng TN&MT huyện Lý Sơn, với hơn 2,2 vạn dân trên đảo cùng với lượng khách du lịch “khổng lồ”, số lượng rác thu gom trung bình mỗi ngày lên đến hơn 23 tấn, là áp lực không nhỏ cho công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Còn tại TP. Hội An - “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019”, đằng sau con số đáng mừng là tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ - du lịch - thương mại năm 2019 ước đạt hơn 8.563 tỉ đồng, tăng 15,56%; tổng lượt khách tham quan lưu trú đến Hội An ước đạt 5,35 triệu lượt, tăng 5,24% so với cùng kỳ, hàng loạt thách thức đang hiển hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch TP. Hội An: “Hội An đang đối diện với sự quá tải trên nhiều lĩnh vực, nhất là về giao thông, hạ tầng, ô nhiễm môi trường, gia tăng rác thải. Áp lực từ nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt quần thể kiến trúc và không gian trật tự, an toàn của khu phố cổ, của các làng quê, làng nghề truyền thống, của hệ đa dạng sinh học vùng cửa sông cửa biển…”.

Chuyển hướng phát triển du lịch xanh

Nghiên cứu từ Tổ chức Trip Advisor cho thấy, du lịch xanh không những là sự bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững, mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch.

Chỉ ra tiềm năng để Việt Nam phát triển du lịch xanh, GS.TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) nhận định, mặc dù, còn nhiều hạn chế nhưng với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa - nhân văn rất phong phú, đa dạng... ở Việt Nam sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch xanh. Mặt khác, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, do đó, cả cộng đồng cần phát triển du lịch xanh, phát triển nền kinh tế xanh bền vững.

“Thời gian qua, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã có nhiều lưu ý trong việc phát triển du lịch xanh, như tại một số tỉnh Tây Bắc đã có du lịch cộng đồng; Thừa Thiên - Huế chú trọng vào du lịch nhà vườn; Nha Trang tập trung về du lịch biển, đảo; một số tỉnh Nam Bộ "tranh thủ" với mô hình miệt vườn để làm dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, nhiều công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh; khách sạn đạt chứng chỉ xanh...”, ông Đính nêu dẫn chứng.

Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2019, tài nguyên văn hóa và kinh doanh du lịch của Việt Nam được xếp thứ 29, tài nguyên thiên nhiên xếp thứ 35/140 quốc gia được xếp hạng. Điều đó có nghĩa, chính thiên nhiên là một trong những sức hút đặc biệt của Việt Nam đối với thế giới.

Để phát triển du lịch xanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam cần vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, như nhận thức vể việc phát triển du lịch xanh chưa đầy đủ và chưa thấy được tầm quan trọng của phát triển du lịch xanh đối với phát triển bền vững của đất nước. Chính phủ Việt Nam còn thiếu cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch xanh. Cùng với đó là sự thiếu thốn trong vấn đề tài chính và đầu tư vào các giải pháp xanh, nhận thức của khách du lịch và việc kiểm soát tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp còn hạn chế…

Tống Minh

Bạn đang đọc bài viết Áp lực môi trường gia tăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .