Thứ năm, 07/11/2024 17:01 (GMT+7)
Thứ hai, 07/10/2024 06:31 (GMT+7)

Ảnh hưởng của bão đẩy chỉ số CPI lên cao

Theo dõi KTMT trên

Giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bão, cộng với việc một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình và giá thuê nhà leo thang là những nguyên nhân đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,29%.

Ngày 6/10, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế-xã hội thường kỳ. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,29% so với tháng 8, đồng thời tăng 2,18% so với tháng 12/2023 và tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê lý giải trong tháng 9, giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão, một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm tăng CPI.

Ảnh hưởng của bão đẩy chỉ số CPI lên cao - Ảnh 1
Trong tháng 9, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92% đã tác động làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm.

Trong mức tăng 0,29% của CPI tháng 9/2024 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Cụ thể, nhóm giáo dục tháng 9 tăng 2,09%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 2,33%  do một số địa phương điều chỉnh học phí áp dụng cho năm học 2024-2025 ở một số trường dân lập, tư thục các cấp và các trường đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học để đảm bảo thu chi thường xuyên. Bên cạnh đó, tháng 9 là thời điểm bắt đầu năm học mới nên nhu cầu đối với các mặt hàng đồ dùng học tập tăng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92% làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm, trong đó: Lương thực tăng 0,77% ; thực phẩm tăng 1,06%  (tác động làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,65%.

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng tăng 0,52% chủ yếu do các nguyên nhân như giá thuê nhà tăng 0,42% do nhu cầu thuê nhà tại một số địa phương tăng khi bước vào năm học mới; giá điện sinh hoạt tăng 0,37%; nước sinh hoạt tăng 0,16% ; giá gas tăng 1,45% do từ ngày 01/9/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới. Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa giảm 6,97% so với tháng trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%, trong đó, giá đồ trang sức tăng 1,65% theo giá vàng thế giới; sửa chữa đồng hồ đeo tay và đồ trang sức tăng 0,52%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,12%. Ở chiều ngược lại, giá túi xách, vali, ví giảm 0,51%; dịch vụ hành chính pháp lý giảm 0,31%.

Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,15% do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm khi vào năm học mới tăng. Trong đó, giá dịch vụ giày, dép tăng 0,49%; may mặc khác tăng 0,36%; mũ nón tăng 0,27%; quần áo may sẵn tăng 0,16%; dịch vụ may mặc tăng 0,1%; giày dép tăng 0,09%; vải các loại tăng 0,02%.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14% do chi phí nhân công và nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ dùng trong gia đình tăng khi mưa lũ ngập lụt tại nhiều địa phương. Trong đó, giá hàng thủy tinh, sành, sứ tăng 0,51%; đồng hồ treo tường, để bàn, gương và dịch vụ sửa chữa thiết bị gia đình cùng tăng 0,48%; vật phẩm tiêu dùng khác tăng 0,31%; hàng dệt trong nhà tăng 0,29%; đồ nhựa, cao su và xà phòng, chất tẩy rửa cùng tăng 0,23%; giường, tủ, bàn ghế tăng 0,2%; đồ điện tăng 0,18%; thuê người phục vụ tăng 0,06%; đồ dùng nấu ăn tăng 0,05%.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng điện tử, điện lạnh có giá giảm so với tháng trước do nhiều cửa hàng, siêu thị tiếp tục áp dụng các chương trình kích cầu mua sắm như: Giá máy điều hòa nhiệt độ giảm 0,48%; máy giặt giảm 0,25%; máy xay sinh tố, ép hoa quả giảm 0,21%; máy hút bụi giảm 0,17%; tủ lạnh giảm 0,11%.

Nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,09%. Trong đó, giá máy điện thoại di động thông thường tăng 0,33%; giá sửa chữa điện thoại tăng 0,19%. Ngược lại, giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,74% do một số cửa hàng áp dụng chương trình khuyến mại, kích cầu đối với mẫu mã cũ.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05% do thời tiết mưa bão, giao mùa nên nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về giảm đau, hạ sốt, đường hô hấp, vitamin và khoáng chất của người dân tăng. Trong đó, nhóm thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt; chống viêm không steroid và thuốc điều trị gút và các bệnh xương tăng 0,48%; nhóm thuốc vitamin và khoáng chất tăng 0,28%; nhóm thuốc chống nhiễm, điều trị ký sinh trùng tăng 0,25%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,03% do nguyên liệu sản xuất đồ uống và chi phí nhân công tăng. Cụ thể: Giá nước quả ép tăng 0,26%; rượu các loại tăng 0,18%; thuốc hút tăng 0,1%; nước giải khát có ga tăng 0,09%; bia chai tăng 0,06%.

Ngược lại, 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,24% do nhu cầu du lịch không còn cao như những tháng cao điểm; nhóm giao thông giảm 2,77% góp phần giảm CPI chung 0,27 điểm %, chủ yếu do giá dầu diezen giảm 8,41%; giá xăng trong nước giảm.

CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,24%; hàng hóa và dịch khác tăng 6,94%; giáo dục tăng 5,4%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,98%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,98%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,4%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,21%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,24%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,15%; bưu chính, viễn thông giảm 0,74%; giao thông giảm 0,88%;

CPI bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 3,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Lạm phát cơ bản tháng 9/2024 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản đạt 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,88%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Ảnh hưởng của bão đẩy chỉ số CPI lên cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tỉnh Hải Dương đang có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu vừa có buổi làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Ông Lê Ngọc Châu nhấn mạnh về các tiềm năng thu hút đầu tư của tỉnh và chỉ đạo công tác triển khai, quản lý các khu công nghiệp.

Tin mới

Bão Yinxing đang hướng vào Biển Đông
Hiện bão Bão Yinxing đang trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/ giờ), giật trên cấp 17. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 5-10km/ giờ.