Thứ sáu, 11/10/2024 03:08 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/09/2024 10:48 (GMT+7)

Ảnh hưởng bão số 3, nhiều địa phương đối diện mưa lớn và gió giật mạnh

Theo dõi KTMT trên

Bão số 3 (siêu bão Yagi) đang tiến nhanh về vịnh Bắc Bộ và đổ bộ đất liền nước ta, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng một số tỉnh miền Bắc trời âm u trước khi đón mưa lớn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 9 giờ ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão số 3 ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 130km, cách Quảng Ninh 570km. Sức gió mạnh nhất cấp 16 (184-201km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/giờ.

Dự báo do ảnh hưởng của bão trên biển: Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm siêu bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội. Từ khoảng trưa ngày 6/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ tối và đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Từ đêm 6/9 và gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 7/9). Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 7,0-9,0m, vùng gần tâm siêu bão 10,0-12,0m. Biển động dữ dội.

Ảnh hưởng bão số 3, nhiều địa phương đối diện mưa lớn và gió giật mạnh - Ảnh 1

Hướng di chuyển của bão số 3 Yagi.

Từ trưa ngày 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2,0-4,0m, sau tăng lên 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0m. Từ đêm 06/9 và gần sáng ngày 7/9, vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sóng cao 2,0-3,0m, sau tăng lên 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m. Khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hóa)-1,8m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm ngày 7/9 và nước rút do bão, khoảng 0,5m (Thanh Hóa)-1,0m (Quảng Ninh) xuất hiện vào sáng ngày 7/9.

Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn. Trong hôm nay (6/9) ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế có mưa dông do tác động vành ngoài hoàn lưu bão số 3.

Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 7/9 đến đêm 8/9). Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, lốc và gió giật mạnh cả trước và trong khi bão đổ bộ.

Các địa phương khẩn trương ứng phó với bão số 3

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, những ngày qua, các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Quảng Ninh: để chủ động ứng phó với bão theo tinh thần “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người,” tỉnh Quảng Ninh đã sớm ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tăng cường phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của cơn bão số 3.

Tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 trên địa bàn. Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động xuống cơ sở để chỉ đạo về công tác ứng phó với bão số 3.

Đồng thời, tỉnh cũng đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành và địa phương chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ gây thiệt hại về người và tài sản.

Từ 11h ngày 6/9, Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ Đường thủy nội địa, Ủy ban Nhân dân các địa phương ven biển ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi.

Phú Thọ: UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tập trung ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ đề nghị các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở thu hoạch những diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra; khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng. Sau khi nước rút, người dân cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng... cho cây nhanh phục hồi; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại, phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau.

Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tạm dừng các cuộc họp không cấp bách; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời công tác phòng ngừa, ứng phó với bão.

Nghệ An: Chủ tịch UBND Nghệ An - Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai công tác ứng phó bão số 3 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, trong đó tập trung một số nhiệm vụ.

Cụ thể, chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Đối với tuyến biển, tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Kiểm soát tàu trên biển, hỗ trợ thông tin bão kịp thời để có phương án chủ động ứng phó.

Đối với vùng đồng bằng và ven biển, chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.

Chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du. Bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người.

Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh căn cứ diễn biến và dự báo bão, kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Lệnh cấm biển.

Sở Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.

Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, duy trì cung ứng khi có mưa, lũ xảy ra, đặc biệt đảm bảo điện phục vụ cho các công trình tiêu úng, thoát lũ. Đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Hà Tĩnh: Đã ban hành công điện yêu cầu các đơn vị chức năng, địa phương có phương án phòng, chống bão số 3, đặc biệt là bảo vệ hồ đập xung yếu khi có mưa, lũ xảy ra.

Theo đó, Hà Tĩnh yêu cầu Chủ tịch UBND 13 huyện, thành phố, thị xã theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Đặc biệt, đối với các công trình phòng, chống thiên tai như cảng cá, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển và các hồ đập đang thi công dở dang, công trình hồ đập xuống cấp, chủ đầu tư, chính quyền địa phương cần bồ trí người theo dõi chặt chẽ để có phương án ứng phó khi bão kèm mưa lớn gây ảnh hưởng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư các công trình đang thi công khẩn trương triển khai phương án bảo đảm an toàn đối với công trình, người và máy móc, thiết bị khi có bão, mưa lớn.

Hiện nay ở tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thủy lợi Nam Hà Tĩnh và các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh có nhiều công trình hồ, đập đang được sửa chửa và nhiều hồ đập hư hỏng xuống cấp. Các đơn vị này cần khẩn trương có giải pháp phòng, chống bão, bảo vệ hồ chứa trước mùa mưa, bão.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Tiểu ban An toàn nghề cá, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh và các huyện ven biển như Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến bão; kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các địa phương huy động tổ chức đoàn thể, hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa Hè Thu với phương châm "lúa chín đến đâu thu hoạch đến đó", kiên quyết không để lúa chín bị ngập khi mưa lũ xảy ra; rà soát số lượng máy gặt đập, có kế hoạch điều phối hợp lý để đảm bảo thu hoạch lúa nhanh nhất.

Quảng Bình: UBND tỉnh yêu cầu, các đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tế, chủ động tạm hoãn các cuộc họp chưa cấp bách, triển khai nghiêm túc công tác ứng phó với bão.

Các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân và Nhà nước. Các đơn vị, địa phương sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Tại Quảng Bình, đến sáng 6-9, tất cả tàu, thuyền địa phương đang hoạt động trên biển đều đã nhận được thông báo về hướng đi của bão và tìm nơi neo đậu, tránh trú an toàn, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Trên địa bàn đã xuất hiện mưa vừa đến mưa to, gió thổi mạnh.

Kiên Giang: Ngày 6/9, phương tiện phà, tàu cao tốc các tuyến trên vùng biển Kiên Giang gồm: Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc, Rạch Giá - Nam Du (Kiên Hải) và ngược lại tạm ngừng hoạt động do thời tiết xấu, sóng to, gió lớn chờ đến khi có thông báo mới từ ngành chức năng.

Các hãng tàu thông báo đến phòng vé, đại lý bán vé và hành khách đã đặt cọc hoặc thanh toán 100% tiền vé để hoàn trả lại tiền hoặc đổi vé qua ngày khác khi tàu hoạt động trở lại bình thường.

Việc tạm ngừng hoạt động các tuyến tàu cao tốc trên vùng biển do thời tiết xấu để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Ảnh hưởng bão số 3, nhiều địa phương đối diện mưa lớn và gió giật mạnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dự báo miền Bắc sắp bước vào đợt mưa dông
Đêm nay và ngày mai, Bắc Bộ đêm có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Từ ngày 14-16/10, khu vực có khả năng có mưa rào và dông rải rác, khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Bão Milton đổ bộ Florida với sức gió hơn 190 km/ giờ
Milton hiện vẫn là cơn bão cấp 3 với sức gió 115 dặm/giờ (hơn 190km/h) sau khoảng nửa giờ đổ bộ. Cơn bão di chuyển theo hướng đông-đông bắc với tốc độ 15 dặm/giờ, mang theo sóng lớn, gió cực mạnh và lũ quét đe dọa tính mạng.

Tin mới

Hà Nội 70 năm chiến đấu, kế thừa và phát huy
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 mở ra thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô và đất nước, đây là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam.