Thứ sáu, 19/04/2024 11:26 (GMT+7)
Thứ ba, 24/05/2022 07:25 (GMT+7)

An Giang thống nhất bố trí hơn 1.300 tỷ đồng GPMB cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua, tỉnh An Giang đã thống nhất bố chí 1.380 tỷ đồng nhằm giải phóng mặt bằng dự án tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, phân đoạn qua địa phận tỉnh An Giang.

Ngày 23/5 vừa qua, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh An Giang đã thông qua Nghị quyết sử dụng dự phòng chung và giảm vốn các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý.

Đáng chú ý, HĐND tỉnh An Giang đã thống nhất bố trí 1.380 tỷ đồng cho dự án tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Cụ thể, nguồn vốn nhằm thực hiện giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, phân đoạn qua địa phận tỉnh An Giang.

An Giang thống nhất bố trí hơn 1.300 tỷ đồng GPMB cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng - Ảnh 1
Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sẽ giải bài toán hạ tầng giao thông ĐBSCL.

Theo đó, để có số vốn 1.380 tỷ đồng, tỉnh An Giang sẽ bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng chung. Phần còn lại giảm từ phần vốn ngân sách tỉnh đối ứng thực hiện dự án xây dựng hệ thống Hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên 230 tỷ đồng và giảm từ phần vốn ngân sách tỉnh bố trí thực hiện dự án Bệnh viện Mắt -  Tai mũi họng - Răng hàm mặt An Giang là 150 tỷ đồng.

Thông tin với báo chí về vấn đề phân bổ 1380 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng vừa được HĐND tỉnh An Giang thông qua, ông Phạm Minh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, tiến độ bố trí vốn năm 2022 thực hiện giải phóng mặt bằng dự án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, phân đoạn qua địa phận tỉnh An Giang là 380 tỷ đồng; năm 2023 là 1.000 tỷ đồng.

"Trường hợp tăng tổng mức đầu tư so quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tỉnh An Giang sẽ bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng từ nguồn ngân sách địa phương cho dự án", ông Tâm chia sẻ.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm trong mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 và là một trong những dự án được Bộ Giao thông Vận tải xác định ưu tiên đầu tư.

Dự án có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 91 (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) và điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), tổng chiều dài tuyến hơn 188 km, với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục. Trong đó, đoạn tuyến qua tỉnh An Giang 56,7 km, Cần Thơ 37,7 km, tỉnh Hậu Giang 37,7 km và tỉnh Sóc Trăng 56,1 km.

Để thực hiện dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tỉnh cần sử dụng diện tích đất khoảng 1.205 ha. Việc giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ được tách thành tiểu dự án độc lập giao cho các địa phương có dự án đi qua tổ chức thực hiện. Tuyến cao tốc khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, là hành lang vận tải trục ngang lớn, quan trọng nhất ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cả khu vực.

An Giang thống nhất bố trí hơn 1.300 tỷ đồng GPMB cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng - Ảnh 2
Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh An Giang đã thống nhất bố chí 1380 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.

Vào đầu tháng 5/2022, Chính phủ đã có Tờ trình số 156/TTr – CP gửi Quốc hội, tại tờ trình, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 bằng nguồn vốn đầu tư công.

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 44.691 tỷ đồng; trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 khoảng 35.753 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 8.938 tỷ đồng. 

Theo Tờ trình số 156/TTr – CP, dự kiến trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ được bố trí từ nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách các địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021; năm 2026 từ nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. 

Về tiến độ thực hiện, Chính phủ đề xuất tiến hành chuẩn bị dự án năm 2022; khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025. 

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 được chia thành 4 dự án thành phần; gồm: Dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km57+200) với chiều dài khoảng 57,2 km thuộc 2 tỉnh/thành phố An Giang và Cần Thơ, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 13.799 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 (Km57+200 - Km94+400) với chiều dài khoảng 37,2 km thuộc TP. Cần Thơ, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.845 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 (Km94+400 - Km131+300) với chiều dài khoảng 36,9 km thuộc tỉnh Hậu Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.927 tỷ đồng; Dự án thành phần 4 (Km131+300 - Km188+200) với chiều dài khoảng 56,9 km thuộc 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 11.120 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, tại Tờ trình số 156/TTr – CP, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù để triển khai Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 đúng tiến độ và chất lượng. Cụ thể, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép triển khai Dự án theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; cho phép các địa phương bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án; cho phép phân chia các dự án thành phần theo địa giới hành chính các tỉnh/thành phố. 

Trước đó, vào đầu tháng 4/2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ đã ký Tờ trình số 110/TTr - CP gửi Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Theo tờ trình này, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có mục tiêu là hình thành một trục ngang trung tâm vùng ĐBSCL kết nối các trục dọc, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam của vùng; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 để bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách tTrung ương.

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết An Giang thống nhất bố trí hơn 1.300 tỷ đồng GPMB cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .