An Giang kiến nghị xây hệ thống trữ nước ngọt hơn 32 triệu m3
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã có đề xuất liên quan Dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên.
Ngày 29/3 vừa qua, đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang tại huyện Tịnh Biên để làm việc về đề xuất thực hiện Dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên. Theo UBND tỉnh An Giang, dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên được tỉnh xây dựng nhằm mục tiêu phát triển bền vững, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thông tin tại buổi làm việc, một thực tế cho thấy, những năm gần đây mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không còn xuất hiện theo quy luật tự nhiên nữa. Đồng thời, nguồn nước ngọt tại ĐBSCL chịu tác động lớn từ bên ngoài lãnh thổ, không còn tự chủ được nguồn nước ngọt như trước đây. Chính vì vậy, cần sớm đầu tư, xây dựng hệ thống các hồ trữ nước, nhằm giữ lại nguồn nước ngọt tự nhiên, cung cấp cho vùng Tứ giác Long Xuyên - vùng sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, việc đầu tư hệ thống trữ nước ngọt sẽ giúp ĐBSCL điều hòa và quản lý tốt nguồn nước giữa mùa lũ và mùa khô, đảm bảo sinh kế người dân cũng như bảo vệ môi trường cho toàn bộ khu vực ĐBSCL. Chính vì vậy, UBND tỉnh An Giang đã đề xuất xây dựng Dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên.
Theo đó, dự án có quy mô hơn 3.050 ha, nằm phía dưới hạ lưu cống Trà Sư, trong phạm vi tuyến thoát lũ Châu Đốc - Tịnh Biên, thuộc hệ thống kiểm soát lũ vùng Tứ giác Long Xuyên. Dự án có tổng chiều dài bờ bao trên 42,6 km; tổng dung tích trữ nước là 32,5 triệu m3; tổng kinh phí dự hiến hơn 3.185 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương.
Khi đi vào vân hành, hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên có thể phục vụ tưới cho khoảng 30.000 ha đất nông nghiệp trong vùng Tứ giác Long Xuyên gồm An Giang, Kiên Giang và TP. Cần Thơ, giúp tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, hệ thống này còn góp phần giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với hạn mặn và biến đổi khí hậu.
Đại diện UBND tỉnh An Giang cũng nêu rõ, Dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên không phải là dự án của tỉnh An Giang mà là công trình nằm trong hệ thống thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được quản lý bởi Hội đồng Quản lý thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên; trong đó, Chủ tịch Hội đồng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Tổng cục Thủy lợi, UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP. Cần Thơ.Sau khi nghe đề xuất của UBND tỉnh An Giang, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đề xuất của tỉnh An Giang về Dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên là cấp thiết, góp phần phát triển bền vững vùng Tứ giác Long Xuyên, gắn với bảo vệ môi trường, nguồn nướ ngọt và hệ sinh thái.
Cũng tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại đã đề nghị UBND tỉnh An Giang cần hoàn thiện và cụ thể hoá các hợp phần trong phương án đề xuất gửi đoàn công tác để các thành viên nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng cũng như các ngành liên quan.
”Tỉnh An Giang cần tối ưu hoá về tổng dung tích trữ nước và đảm bảo tính liên vùng, khả năng kết nối giao thông với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng như các tuyến đường tỉnh của Dự án”, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Phạm Hoàng Mai cho biết.
Cũng theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên phải phù hợp với quy hoạch phát triển của vùng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm sự đa dạng sinh học.
Song