An Giang đề xuất xây hồ trữ nước ngọt lớn nhất ĐBSCL hơn 3.000 tỷ đồng
Dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên có quy mô hơn 3.050 ha và tổng kinh phí dự kiến hơn 3.185 tỷ đồng.
UBND tỉnh An Giang cho biết tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất 4 dự án sử dụng vốn ODA với tổng mức đầu tư hơn 7.727 tỷ đồng.
Trong đó, lớn nhất là dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên, thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu - Chương trình DPO.
Đây là dự án “thuận tự nhiên” để phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự kiến thời gian thực hiện giai đoạn 2024-2030.
Đối với dự án này, Bộ TN&MT có ý kiến dự án đáp ứng tất cả các tiêu chí và được kết luận cơ bản phù hợp tiêu chí thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đề xuất của tỉnh An Giang, dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên có quy mô hơn 3.050 ha, nằm phía dưới hạ lưu cống Trà Sư, trong phạm vi tuyến thoát lũ Châu Đốc – Tịnh Biên, thuộc hệ thống kiểm soát lũ vùng Tứ giác Long Xuyên.
Dự án có tổng chiều dài bờ bao trên 42,6 km; tổng dung tích trữ nước là 32,5 triệu m3; tổng kinh phí dự kiến hơn 3.185 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương.
Sau khi hoàn thành, hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên có thể phục vụ tưới cho khoảng 30.000 ha đất nông nghiệp trong vùng Tứ giác Long Xuyên gồm An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ.
Đồng thời, dự án giúp tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, hệ thống này còn góp phần giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hán hạn, xâm nhập mặn.
UBND tỉnh An Giang cho rằng, việc xây dựng "hồ trữ ngọt" tự nhiên cho vùng Tứ giác Long Xuyên là rất cần thiết nhằm điều tiết lũ, cung cấp nước cho vùng cũng như khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, hệ thống này còn góp phần giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.
Trên cơ sở đó, dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên phải phù hợp với quy hoạch phát triển của vùng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm sự đa dạng sinh học.
Được biết, trong những năm gần đây mùa lũ ở ĐBSCL không còn xuất hiện theo quy luật tự nhiên. Do đó, cần sớm đầu tư, xây dựng hệ thống các hồ trữ nước, nhằm giữ lại nguồn nước ngọt tự nhiên, cung cấp cho vùng Tứ giác Long Xuyên – vùng sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước.
Đồng thời, giúp điều hòa và quản lý tốt nguồn nước giữa mùa lũ và mùa khô, đảm bảo sinh kế người dân cũng như bảo vệ môi trường vùng Tứ giác Long Xuyên nói riêng, ĐBSCL nói chung.
Ngoài ra, 3 dự án khác sử dụng vốn ODA cũng được UBND tỉnh An Giang đề xuất. Cụ thể:
Một là, dự án cải thiện cơ sở hạ tầng thúc đẩy thương mại khu vực Biên giới Tịnh Biên tỉnh An Giang. Thời gian thực hiện từ 2023-2027. Tổng mức đầu tư dự kiến 2.419 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA 1.635 tỷ đồng, vốn đối ứng trong nước 784 tỷ đồng. Dự kiến vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Hai là, dự án cải thiện cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ 2024-2028.
Với tổng mức đầu tư dự kiến 1.141 tỷ đồng, dự án nhằm cải thiện nâng cao năng lực thoát nước và vệ sinh môi trường, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thích ứng biến đổi khí hậu.
Ba là, dự án cải thiện cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang: Xây dựng công trình kè chống xói lở, ngập lụt với tổng chiều dài dự kiến 2,57 km trên sông Châu Đốc và kênh Vĩnh Tế; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải để cải thiện hiệu quả hệ thống thu gom nước thải hiện có.
Tổng mức đầu tư dự kiến 980 tỷ đồng. Trong đó vốn vay ODA chiếm 667 tỷ đồng, từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ 2024-2028.
Lan Anh