An Giang: Đầu tư công vẫn còn nhiều vướng mắc
Việc giải ngân, tiến độ thi công các công trình trọng điểm còn chậm so với kế hoạch, nhiều địa phương của tỉnh An Giang cho rằng nguyên nhân nằm tại khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công của các nhà thầu chưa đạt yêu cầu.
Mới đây, Đoàn công tác tỉnh An Giang đã kiểm tra thực tế các công trình trọng điểm và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện An Phú, Phú Tân, thị xã Tân Châu và TP. Châu Đốc.
Theo đó, tại TP. Châu Đốc, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí năm 2022 là 35 tỷ đồng (nguồn xổ số kiến thiết), gồm dự án đường đê kênh Hòa Bình; khối lượng giải ngân hơn 9,5 tỷ đồng (đạt 27%). Nguồn vốn kéo dài năm 2021 sang năm 2022 bố trí hơn 9 tỷ đồng cho dự án cổng chào Khu du lịch quốc gia núi Sam; khối lượng giải ngân hơn 2,6 tỷ đồng (đạt 30%)…
Đối với thị xã Tân Châu, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 hơn 160 tỷ đồng, địa phương giải ngân 31%. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là 56,4 tỷ đồng; đã giải ngân 13,6%.
Bên cạnh đó, Huyện Phú Tân giải ngân đạt tỷ lệ 7% kế hoạch được bố trí năm 2022; kế hoạch vốn ngân sách tỉnh kéo dài năm 2021 sang năm 2022 nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện giải ngân đạt 40%. Còn tại huyện An Phú, hiện đã giải ngân 46,4 tỷ đồng, đạt 25,3% kế hoạch.
Giải thích cho việc tiến độ giải ngân còn chậm, các địa phương này chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản như: Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến phương án tài chính và kéo theo việc tổ chức thi công của các nhà thầu cũng chưa đạt yêu cầu.
Còn theo Ông Trần Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, do điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án đã kéo theo sự thay đổi các hạng mục san lấp mặt bằng, hệ thống giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, vỉa hè,… Bên cạnh đó, giá vật tư xây dựng (cát, đá…) tăng mạnh, làm ảnh hưởng các gói thầu được duyệt, cần điều chỉnh lại cho phù hợp nên tiến độ chưa đảm bảo kế hoạch.
Trước thực trạng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình trọng điểm còn chậm rất nhiều so với kế hoạch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị cần rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch vốn đầu tư; chưa dự báo được tình hình thực hiện, các khó khăn để đề xuất bố trí vốn phù hợp, sát với khả năng giải ngân vốn, việc chuẩn bị hồ sơ thủ tục đầu tư. “Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến hết niên độ ngân sách năm 2022, tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao. Phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm giải ngân đạt yêu cầu đề ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Phước nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Để yêu cầu thủ trưởng sở, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công. Tổ chức rà soát, điều chỉnh danh mục, công tác chuẩn bị đầu tư, kịp thời phát hiện vấn đề chưa hợp lý, vướng mắc để chỉnh sửa, đồng thời chỉ đạo, phân công để bảo đảm tuân thủ luật pháp, tránh tham nhũng, tiêu cực…
“Người đứng đầu, sở, ngành, địa phương phải tăng cường trách nhiệm, quyết liệt kiểm tra để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Lưu ý, việc lập hồ sơ thủ tục phải chặt chẽ, chất lượng, không gây mất thời gian; lựa chọn nhà thầu đủ năng lực để đảm bảo tiến độ. Chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chuyển vốn trong nội bộ của đơn vị. Đối với việc tạm ứng vốn từ nguồn ngân sách tỉnh để kịp thời hoàn thành các hạng mục công trình, giao Sở Tài chính làm việc với chủ đầu tư báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét. Ngoài ra, chủ đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát để nắm bắt tiến độ công trình, phối hợp chặt chẽ các sở, ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; trường hợp vượt thẩm quyền sớm báo cáo UBND tỉnh xử lý”, ông Lê Văn Phước yêu cầu.
Thanh Tùng