An Giang: Ra mắt trung tâm điều hành thông minh hướng đến chuyển đổi số toàn diện
Sáng 20/6, UBND tỉnh An Giang đã phối hợp với VNPT tổ chức lễ ra mắt Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang. Đây là IOC tích hợp 10 lĩnh vực để góp phần phục vụ việc chỉ đạo, điều hành và quản lý xã hội được hiệu quả.
Theo Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh An Giang, hiện dữ liệu của các lĩnh vực được kết nối thời gian thực về IOC tỉnh và hiển thị trực quan trên hệ thống, toàn bộ dữ liệu đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”. Theo đó, Trung tâm điều hành thông minh tỉnh An Giang được xem là “bộ não số” trong các hoạt động của mô hình chính phủ số và đô thị thông minh.
Cũng theo Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh An Giang, giai đoạn thử nghiệm, Trung tâm tích hợp 10 lĩnh vực gồm: phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội; giải quyết thủ tục hành chính; quản lý văn bản điện tử; giáo dục; y tế; du lịch; lưu trú; hệ thống camera an ninh và giám sát thông tin mạng xã hội và tiếp nhận phản ánh của người dân.
Trong thời gian tới, IOC tỉnh An Giang sẽ là nền tảng kết nối toàn bộ hạ tầng thông tin số, tích hợp và xử lý các luồng thông tin từ các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, hình thành những hệ thống thông tin và tập trung hóa dữ liệu toàn tỉnh phát triển hoàn thiện trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh.
“Cùng với các cơ sở dữ liệu có sẵn và các cơ sở dữ liệu sẽ đầu tư thêm được tích hợp, phân tích và khai thác tạo ra “bức tranh số” phản ánh toàn diện về phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh nhanh chóng, hiệu quả cao”, đại diện Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh An Giang cho hay.
Thông tin về việc xây dựng Trung tâm điều hành thông minh, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, việc xây dựng Trung tâm điều hành thông minh là giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh phát triển chính quyền số, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo yêu cầu Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ; phục vụ sự chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, từ thực tiễn triển khai chuyển đổi số thời gian qua, có thể coi 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong đại dịch COVID-19, 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số của tỉnh trong năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.
“Việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số ở tỉnh phải tuân thủ quy định, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhiệm vụ, giải pháp triển khai cần cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn lực tập trung thực hiện, phấn đấu nâng chỉ số chuyển đổi số của tỉnh tăng lên từ 2 đến 5 bậc trong xếp hạng chung của cả nước năm 2022”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho hay.
Được biết, trong năm 2022, tỉnh An Giang sẽ đẩy mạnh phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến (hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện môn học về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm).
Đồng thời, phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp người dân với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện. Phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, như: Liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng; dịch vụ công trực tuyến; phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thông tin về vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Trần Quang Hiền thông tin, đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị, địa phương thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành y tế; phổ cập tư vấn sức khỏe từ xa cho người dân; triển khai ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, từng bước thay thế hồ sơ giấy.
Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết, địa phương sẽ đôn đốc, tăng cường chuyển đổi số trong chỉ đạo điều hành, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp sở, ngành tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất - kinh doanh, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm trên môi trường trực tuyến…
Huỳnh Mai