ADB: Doanh nghiệp FDI sẽ không rời Việt Nam chỉ vì 1 lý do dịch bệnh
“Có rất nhiều lý do để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nước ngoài (FDI) chọn Việt Nam là điểm đến. Vì vậy, họ sẽ không rời bỏ Việt Nam chỉ vì 1 lý do là dịch bệnh toàn cầu”.
Đó là chia sẻ của ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại buổi họp báo trực tuyến công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021.
Theo ông Jefffies, gần đây có những thông tin cho rằng khu vực FDI đang rời khỏi Việt Nam do liên quan đến đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng thông tin trên chưa được xác thực và không chính xác.
Thực tế, có một số đơn đặt hàng chuyển ra khỏi Việt Nam hoặc chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, chứ không hẳn doanh nghiệp đi khỏi Việt Nam.
“Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này có ảnh hưởng nhất định tới toàn bộ kinh tế - xã hội Việt Nam trong vài tháng qua. Không chỉ Việt Nam, các quốc gia khác cũng đã và đang gặp tình huống tương tự, đặc biệt khu vực Đông Nam Á. Nên tôi nghĩ rằng, Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mà là tất cả khu vực. Có rất nhiều lý do để các doanh nghiệp FDI chọn Việt Nam là điểm đến. Vì vậy, tôi không cho rằng họ sẽ dịch chuyển khỏi Việt Nam chỉ vì một lý do dịch bệnh”, ông Jeffires nhận định.
Đại diện của ADB cũng khẳng định, Việt Nam là một quốc gia đang tăng trưởng nhanh, có tầng lớp trung lưu phát triển mạnh. Do đó, Việt nam là một điểm đến lý tưởng của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam không chỉ để phát triển xuất khẩu mà còn cung cấp cho cả nhu cầu trong nước.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đã thu hút 19,12 tỉ USD vốn FDI trong 8 tháng năm 2021. Vốn đầu tư điều chỉnh đã tăng trở lại trong tháng 8 sau khi giảm nhẹ trong 7 tháng (tăng 2,3%). Vốn đầu tư đăng ký mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2020 và đạt mức tăng mạnh hơn so với 7 tháng đầu năm (tăng 16,3%).
Các lĩnh vực hấp dẫn khối ngoại đầu tư là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,3 tỉ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kế đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với vốn đầu tư 5,5 tỉ USD, chiếm 28,7% tổng vốn. Theo sau lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỉ USD và trên 734 triệu USD.
Tuấn Thủy