Thứ sáu, 04/10/2024 02:12 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/05/2022 07:43 (GMT+7)

81 quốc gia, vùng lãnh thổ chính thức công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Tính đến nay, hộ chiếu vaccine của Việt Nam có thể được sử dụng tại 81 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là thành quả phối hợp trao đổi giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng như với các đối tác quốc gia.

Đây là thông tin mới nhất tại buổi họp báo thường kỳ ngày 12/5 của Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt về tiến độ công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam.

Theo đó, đến nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 20 nước, bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran, Malaysia, Cộng hòa Dominica.

Trong ngày 11/5 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) ban hành quyết định công nhận hộ chiếu vaccine điện tử của Việt Nam. Theo quyết định này, hộ chiếu vaccine của Việt Nam sẽ được 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) công nhận, đồng thời mã QR của hộ chiếu cũng được xác thực, kiểm tra trên lãnh thổ của 39 đối tác có tham gia hệ thống hộ chiếu vaccine điện tử của EU.

81 quốc gia, vùng lãnh thổ chính thức công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam - Ảnh 1
Tính đến nay hộ chiếu vaccine của Việt Nam có thể được sử dụng tại 81 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh minh họa)

"Tính đến nay hộ chiếu vaccine của Việt Nam có thể được sử dụng tại 81 quốc gia và vùng lãnh thổ", Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt cho biết. Đồng thời nhấn mạnh đây là thành quả phối hợp trao đổi giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng như với các đối tác quốc gia.

Được biết, Bộ Y tế cấp hộ chiếu vaccine từ 15/4, chứa 11 thông tin về người mang, được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D, hiển thị trên ứng dụng PC Covid-19 hoặc Sổ Sức khỏe điện tử của người dân. Mã QR trên hộ chiếu vaccine sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.

Hơn 10 triệu người dân Việt Nam đã có hộ chiếu vaccine

Theo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, tính đến ngày 10/5 đã có hơn 10 triệu người Việt Nam có xác nhận hộ chiếu vắc xin điện tử - chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do các cơ sở tiêm chủng và Bộ Y tế ký số xác nhận dựa trên thông tin tiêm chủng Covid-19 của người dân, tăng thêm khoảng 4 triệu người so với thống kê tuần trước.

Hộ chiếu vaccine điện tử sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-Covid-19 hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới. 

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành kèm theo Công văn số 2262/BYT-CNTT quy trình "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng Covid-19. Trong đó, có 3 trường hợp thông tin bị sai sẽ được cập nhật, sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng Covid-19 được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Không có số Chứng minh nhân dân (CMND)/Căn cước công dân (CCCD).

- Sai định dạng số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân.

- Sai thông tin cá nhân cơ bản như: số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính.

Liên quan đến việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng vaccine Covid-19, thông tin tại hội nghị trực tuyến quán triệt việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 do liên Bộ Y tế - Bộ Công an tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết kết quả triển khai liên thông dữ liệu dân cư quốc gia và dữ liệu tiêm chủng hiện chưa đạt được như mong muốn.

Đến ngày 25/4, trong số hơn 212 triệu mũi vaccine Covid-19 đã tiêm vẫn còn 7,6 triệu mũi tiêm chưa cập nhật lên hệ thống phần mềm, dù Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần thúc giục.

Bên cạnh đó, trong số hơn 73,4 triệu người có căn cước công dân/chứng minh nhân dân còn 43.491.814 mũi tiêm đã xác minh nhưng còn sai thông tin gồm số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác.

Với hơn 8,8 triệu người không có căn cước công dân/chứng minh nhân dân hoặc sai định dạng căn cước công dân/chứng minh nhân dân, 3.364.726 mũi tiêm không xác định được với cơ sở dữ liệu về quốc gia về dân cư.

Theo Bộ trưởng, việc liên thông dữ liệu, xác thực thông tin không chỉ phục vụ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mà còn có ý nghĩa quan trọng về sau này khi đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với ngành y tế (bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử...). Điều này nhằm tạo mọi tiện ích cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế...

Cũng liên quan đến hộ chiếu vaccine,  Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm việc quán triệt nhân viên y tế và các cán bộ thuộc quyền quản lý của đơn vị có liên quan đến công tác ký điện tử chứng nhận tiêm chủng Covid-19 và hộ chiếu vaccine, không được cản trở, gây khó khăn và có các hành vi trục lợi trong việc hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi người dân được cấp chứng nhận tiêm chủng Covid-19 và xác nhận hộ chiếu vaccine.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Bá Hùng, thời hạn của "Hộ chiếu vaccine" điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.

"Người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vaccine mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm. Quá trình này được thực hiện do các cơ sở tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng là đầu mối để ký số", ông Hùng cho hay.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết 81 quốc gia, vùng lãnh thổ chính thức công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.