Thứ năm, 25/04/2024 04:25 (GMT+7)
Thứ năm, 10/06/2021 07:00 (GMT+7)

7 bộ chung tay tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản

Theo dõi KTMT trên

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi các bộ Công Thương, Y tế, Công an, Giao thông Vận tải, Ngoại giao và Tài chính thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Theo Bộ NN&PTNT, thời điểm này, nhiều loại nông sản chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, đặc biệt các loại trái cây chủ lực với sản lượng lớn như: thanh long, xoài, chuối, dứa, vải, nhãn, dưa hấu.. Trong khi đó, nhiều địa phương trình bày gặp khó khăn trong vận chuyển, lưu thông nông sản. 

Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị các Bộ cùng phối hợp thực hiện một số giải giáp để đạt "mục tiêu kép", vừa áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa tạo sự thông thoáng tối đa cho xuất khẩu và tiêu thụ nông sản. 

7 bộ chung tay tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản - Ảnh 1
Tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), nhộn nhịp cảnh người dân chở vải thiều đi tiêu thụ. (Ảnh: Dân Việt)

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, các địa phương nhận thức khác nhau về dịch bệnh nên ứng xử khác nhau, gây khó khăn trong vận chuyển nông sản. Chốt kiểm soát dịch bệnh áp dụng biện pháp phòng dịch "quá mức cần thiết" khi không cho phép xe chở nông sản của địa phương khác đi qua, dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh với lái xe và hàng hóa.

“Nông sản có tính thời vụ, ngắn ngày nên bị chậm vận chuyển không chỉ phát sinh chi phí mà còn làm hư hao chất lượng, giảm giá trị nông sản. Do đó, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì tổ chức cuộc họp để các bộ, ngành cùng thống nhất quy trình tháo gỡ nút thắt này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ GTVT xem xét chủ trì, phối hợp với các bộ: Y tế, Công an, Công Thương rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, chỉ đạo hệ thống ngành dọc tạo điều kiện cho phép lưu thông nông sản đối với hàng hóa, lái xe và phương tiện vận tải giữa các vùng có dịch và các vùng có nguy cơ cao với các khu vực khác khi có Giấy xác nhận của cơ quan y tế địa phương về đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ nông sản, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Tài chính quan tâm, chỉ đạo Tổng cục Hải quan, các Chi cục Hải quan tại các cửa khẩu tổ chức phân luồng thông quan, ưu tiên với nhóm hàng nông sản khi đến thời điểm thu hoạch chính vụ; kéo dài thời gian làm việc, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính.

Trong công văn gửi Bộ Y tế, Bộ  NN&PTNT đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét việc cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với các sản phẩm nông sản địa phương đã thực hiện đúng quy trình kiểm soát an toàn dịch Covid-19 theo hướng dẫn. Quan tâm triển khai cơ chế ưu tiên tiêm vaccine sớm cho đối tượng lái xe vận chuyển, giao nhận hàng hóa.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét, nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền, đàm phán thống nhất với các quốc gia có chung đường biên giới về hình thức hộ chiếu vaccine áp dụng cho đối tượng lái xe vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới nhằm hỗ trợ, giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đối với Bộ Công an, Bộ NN&PTNT đề nghị xem xét, quan tâm chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tại các địa phương trong phối hợp vận hành các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Công điện 789/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/6/2021 và tạo điều kiện cho phép lưu thông nông sản đối với hàng hóa, lái xe và phương tiện vận tải giữa các vùng có dịch và các vùng có nguy cơ cao với các khu vực khác khi có Giấy xác nhận của cơ quan y tế địa phương về đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương về kết quả triển khai hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, đối với tỉnh Bắc Giang, đến hết ngày 7/6, tỉnh đã tiêu thụ được khoảng 55.038 tấn vải, giá bình quân 12.000-32.000 đồng/kg. Giá vải thiều xuất khẩu đi Nhật 58.000 đồng/kg. 

Tiêu thụ tại thị trường trong nước đạt 36.017 tấn, qua các kênh phân phối chủ yếu như chợ đầu mối; siêu thị, trung tâm thương mại; các sàn thương mại điện tử; chế biến tiêu thụ; hệ thống thương nhân khác. Xuất khẩu vải thiều Bắc Giang đạt 19.021 tấn, trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đạt 18.971 tấn.

Đặc biệt, tính đến hết ngày 8/6, trên 180 tấn vải thiều Việt Nam đã được xuất khẩu đi Nhật. Các doanh nghiệp như Rồng Đỏ, Ameii, Chính Thu… đang thu mua và xuất khẩu 1.000 tấn vải thiều tươi đi Nhật Bản và khoảng 4.000 tấn vải đi Mỹ, EU… Xuất khẩu sang thị trường Pháp, Hà Lan, Australia khoảng 600 tấn.

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết 7 bộ chung tay tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới