Thứ sáu, 22/11/2024 08:34 (GMT+7)
Thứ hai, 21/06/2021 11:57 (GMT+7)

25% học sinh ở Anh hứng chịu ô nhiễm không khí vượt giới hạn của WHO

Theo dõi KTMT trên

Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Hành động Toàn cầu (GAP) cho biết hàng triệu trẻ em ở Vương quốc Anh đang học tại các trường có ô nhiễm không khí vượt quá giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Khoảng 3,4 triệu trẻ em ở Anh học trong môi trường ô nhiễm

Nghiên cứu trên cho thấy rằng hơn 25% trường học, từ nhà trẻ đến trường cao đẳng, đều ở những địa điểm có mức độ ô nhiễm dạng hạt cao. Điều này có nghĩa là ước tính khoảng 3,4 triệu trẻ em nước Anh đang phải học tập trong một môi trường không lành mạnh.

Ô nhiễm dạng hạt PM2.5 rất nguy hiểm vì loại hạt này không chỉ gây hại cho phổi mà có thể đi vào máu và ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác của cơ thể. Các cơ thể đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương và không khí ô nhiễm có liên quan đến việc gia tăng bệnh hen suyễn, béo phì và rối loạn tâm thần ở trẻ em.

25% học sinh ở Anh hứng chịu ô nhiễm không khí vượt giới hạn của WHO - Ảnh 1
Các trường học có mức độ ô nhiễm cao nhất được xác định trong phân tích của GAP là ở London và phía Đông Nam nước Anh. (Ảnh: Nick Ansell / PA)

Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Trường học phải là nơi học tập an toàn, không phải là nơi học sinh có nguy cơ bị đe dọa sức khỏe. Những con số này rõ ràng là quá cao và gây hại cho sức khỏe của trẻ em. Không có mức ô nhiễm không khí nào là an toàn và nếu chúng ta quan tâm đến con em mình và tương lai của chúng thì giới hạn ô nhiễm không khí phải phản ánh hướng dẫn của WHO”.

Một báo cáo khác của các chuyên gia tại Đại học Manchester (Anh) cũng nêu bật mối nguy hiểm của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe trẻ em và ô nhiễm không khí có liên quan đến việc gia tăng suy giảm nhận thức, bao gồm cả ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý).

Giáo sư Martie Van Tongeren cho biết cần hành động khẩn cấp để giảm thiểu ô nhiễm, ngăn ngừa suy giảm nhận thức và các bệnh thoái hóa thần kinh ở người trẻ. “Trẻ em đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng thần kinh cao hơn nhiều do các chất ô nhiễm không khí. Những chất này có thể chuyển đến dòng máu trong phổi và đi đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm não, hoặc có thể di chuyển trực tiếp đến não thông qua dây thần kinh khứu giác ở mũi”, Giáo sư nhấn mạnh.

Số lượng trường học bị ô nhiễm cao nhất được xác định trong phân tích của GAP là ở London – khu vực đông dân cư và các khu vực Đông Nam nước Anh. Tuy vậy, có những trường học bị ô nhiễm trên khắp đất nước, với gần 300 trường học ở Manchester có mã bưu điện từ M1 đến M9 và ở Portsmouth có mã bưu điện từ PO1 đến PO9. Ngoài ra còn có hơn 200 trường như vậy trong 9 mã bưu điện đầu tiên của Leicester và Ipswich.

Báo cáo kết hợp dữ liệu năm 2019 từ công ty chất lượng không khí EarthSense với vị trí của các trường học ở Anh, Scotland và xứ Wales. Ô nhiễm không khí đã giảm trong thời gian Covid-19 ngừng hoạt động nhưng dự kiến phần lớn sẽ trở lại mức trước đó.

Vận động các chính trị gia và quốc gia hành động

Nghiên cứu cho thấy gần 8.000 trường học ở Anh có nồng độ hạt PM2.5 cao hơn giới hạn trung bình hàng năm của WHO đối với loại hạt này là 10 μg/m3, trong khi đó giới hạn pháp lý của Vương quốc Anh là 25 μg/m3. Vào tháng 4/2021, nhân viên điều tra, người từng phát hiện ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Ella Adoo-Kissi-Debrah - 9 tuổi hồi năm 2013, cho biết giới hạn về mức độ ô nhiễm dạng hạt của Vương quốc Anh nên được hạ xuống mức của WHO. “Giới hạn của WHO được đặt ra vào năm 2005 nhưng có thể được hạ thấp hơn nữa trong các hướng dẫn mới dự kiến vào tháng 9 tới”, New Scientist vừa đưa tin.

Các nguồn tạo ra hạt PM2.5 là từ giao thông, bếp đốt củi và khí thải trang trại. Trong Chiến lược không khí sạch năm 2019, chính phủ Anh cho biết: “Anh sẽ giảm nồng độ PM2.5 trên toàn đất nước nhằm giảm 50% số người sống ở các địa điểm trên mức hướng dẫn của WHO vào năm 2025”.

GAP cho biết các trường học, phụ huynh và trẻ em có thể vận động các chính trị gia trong nước và quốc gia hành động, cũng như vận động đi bộ hoặc đạp xe đến trường.

Sarah Hannafin thuộc Hiệp hội giáo viên chính quốc gia nói: “Tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em là rất lớn; chúng ta cần làm mọi thứ có thể để bảo vệ tương lai của trẻ. Một biện pháp quan trọng để làm điều đó là đảm bảo các em được trở lại một môi trường an toàn, sạch sẽ và lành mạnh, nơi các em có thể học tập, vui chơi và phát triển”.

Một phát ngôn viên của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA) cho biết: “Việc phát thải các chất dạng hạt mịn đã giảm 11% kể từ năm 2010. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm. DEFRA đang tiếp tục thực hiện một kế hoạch trị giá 3,8 tỉ bảng Anh để làm sạch phương tiện giao thông và giải quyết ô nhiễm NO2”.

Theo phát ngôn viên này, một cuộc tham vấn về các mục tiêu mới đối với PM2.5 và các chất ô nhiễm khác sẽ khởi động vào đầu năm tới, với mục đích đặt ra các mục tiêu mới trong luật vào tháng 10/2022.

Lan Chi

Bạn đang đọc bài viết 25% học sinh ở Anh hứng chịu ô nhiễm không khí vượt giới hạn của WHO. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.