2019: Năm 'trầm' của di sản
Đối với lĩnh vực di sản, thì năm 2019 là một năm “trầm” chứ không “thăng”, bởi những câu chuyện buồn chung quanh di sản bị xâm hại đã khiến cho lĩnh vực này “nổi” một cách không mong muốn trên các phương tiện truyền thông.
Mã Pì Lèng, một trong những vụ xâm hại di sản nóng bỏng nhất năm qua. |
Xâm hại từ di tích quốc gia…
Có thể nói năm qua là một năm “nóng” về tình trạng di sản, di tích bị xâm hại, không chừa một thứ hạng nào của di tích. Từ Bắc vào Nam, từ di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt cho đến di sản thế giới, đều có bàn tay can thiệp thô bạo của một số người, thậm chí ngay trước mắt chính quyền địa phương.
Dự án đường vành đai đã vào sát khu vực di chỉ khảo cổ. |
Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội trong mấy năm gần đây tốn vô cùng nhiều giấy mực của báo chí, công luận. Di chỉ khảo cổ này may mắn đã có được những tấm lòng trân quý, hết mình với di sản của cha ông để lại, không quản ngại ngày đêm bảo vệ, kêu cứu, tìm mọi cách để bảo vệ, để giữ lại trước tình trạng xâm hại của đô thị hóa, của các dự án xây chung cư, khu đô thị mới, làm đường, và thậm chí cả tình trạng đào trộm cổ vật liên miên xảy ra. Đó là nhà nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, là các nhà khảo cổ như GS Lâm Mỹ Dung, PGS Bùi Văn Liêm của Viện Khảo cổ, của những người dân ngày đêm cắt cử nhau trông nom và thông báo “nhất cử nhất động” liên quan đến Vườn Chuối.
Nhưng tất cả những nỗ lực đó đều gần như vô vọng, kể cả sau cuộc khai quật khảo cổ lần thứ 9 với một báo cáo dày dặn, chi tiết về những giá trị vô giá mọi mặt của di chỉ khảo cổ này. Đơn vị thi công ngay sau khi dự án khép lại, đã cấp tập thi công, và nhanh chóng san bằng hai phần trong số ba địa điểm khảo cổ giá trị của Vườn Chuối là gò Mỏ Phượng và gò Dền Rắn. Điều không may mắn là Vườn Chuối mặc dù đã qua tám lần khai quật, lần nào cũng có phát hiện di vật, thậm chí là mộ cổ, di cốt… nhưng lại chưa hề được xếp hạng di tích. Đó chính là lý do Vườn Chuối như một đứa con bị vứt bỏ ngoài đường, mặc cho kẻ trộm dày xéo…
Ngay giữa Thủ đô Hà Nội, một cơ quan đầu ngành, quản lý cao nhất về lĩnh vực văn hóa như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà còn “đứng ngồi không yên” với phương án đặt ga tàu điện ngầm C9 tại khu vực Hồ Gươm, ngay sát với Tháp Bút.
Ga ngầm C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần diện tích vườn hoa cây xanh trên bờ hồ, phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội) nằm trong dự án đường sắt đô thị số 2. Hiện tại phương án ga ngầm C9 này chưa được phê duyệt, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa thống nhất về nội dung liên quan đến khu vực bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng Ga số 9 gần khu vực hồ Hoàn Kiếm như vậy là vi phạm Luật Di sản văn hóa, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, môi trường văn hóa và sinh thái khu vực, tạo rung chấn, ảnh hưởng tới Nghi môn, tháp Bút của đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu. Chưa kể đến việc xây ga ngầm cạnh hồ Gươm còn có nguy cơ tắc nghẽn giao thông ở đây khi tiếp nhận lượng hành khách lớn từ ngoài vào trung tâm.
Hà Giang năm qua trở thành địa phương “nóng” hơn bao giờ hết với các vụ xâm hại danh thắng quốc gia liên tục xảy ra. Từ tòa nhà bảy tầng Panorama ở Mã Pì Lèng cho đến dự án tâm linh ở Lũng Cú, thang máy ngắm cảnh ở Đồn Cao (Đồng Văn)… đều khiến cho dư luận vô cùng bức xúc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phải liên tục ra văn bản, cử đoàn công tác đi khảo sát và đưa ra ý kiến đề nghị tỉnh xử lý. Rồi An Giang với vụ xây dựng tượng Bà Chúa Xứ núi Sam… Trải dài từ Bắc vào Nam trong suốt một năm qua, những người yêu di sản cùng công luận đã phải rất vất vả để lên tiếng cho những di sản cả thiên nhiên và văn hóa không tiếp tục bị bàn tay con người dày vò.
… đến di sản thế giới
Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới, tháng 6/2019 rúng động vì hàng loạt công trình bê tông hóa ngay tại vùng lõi di sản. Đảo Đầu Gỗ, hòn Vụng Ba Cửa, hòn Vụng Hà, Vụng Ong… rất nhiều thắng cảnh đã bị xây kè bê tông hoặc bê tông hóa. Thậm chí động Mê Cung, hang Tiên Ông đều bị đổ bê tông ra lấn biển, xây bến tàu, cầu cảng, làm bãi tắm cho du khách, làm công trình phụ trợ…
Tràng An, cũng vùng lõi di sản, ngay những ngày tháng 12 cuối năm 2019, đã xảy ra những vi phạm nghiêm trọng ngay tại khu vực được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, doanh nghiệp Doanh Sinh hiện đang làm chủ đầu tư khu du lịch Thung Nham đã thực hiện một số công trình đầu tư trái phép để mở rộng khai thác du lịch như nhà xông hơi, nhà nghỉ một tầng, hai tầng, và tất cả các công trình này đều vượt quá số diện tích được cấp phép hoặc xây dựng sai vị trí.
Công trình vi phạm ở Thung Nham đang bị cơ quan chức năng tháo dỡ. |
Ngay chính UBND huyện Hoa Lư đã khẳng định toàn bộ công trình xây dựng của doanh nghiệp Doanh Sinh nằm trong vùng lõi Di sản Thế giới Tràng An, vi phạm nghiêm trọng các quy định tại Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An và quy chế bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình. Ngày 16/12/2019, công trình vi phạm đã bị buộc phải tháo dỡ, thu dọn vật tư, thiết bị...
Vào cuộc kịp thời, nhưng…
Những vụ vi phạm này, cơ quan chức năng đều đã vào cuộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều đã lên tiếng, UBND các tỉnh, các địa phương đã chấn chỉnh. Tuy nhiên, vụ việc đi trước lại không trở thành bài học cho những vụ việc xảy ra sau. Dường như, chỉ cần có kẽ hở, là di sản lại tiếp tục ngang nhiên bị xâm hại, và chính quyền địa phương chỉ biết đến khi vụ việc được báo chí thông tin.
Chúng ta có ngày Di sản Việt Nam hằng năm là ngày 23/11, có Luật Di sản văn hóa có hiệu lực từ năm 2001, nhưng gần như năm nào cũng xảy ra tình trạng các di sản, di tích lớn nhỏ bị xâm hại. Những năm trước, nào là chùa Bối Khê bị dỡ cửa ngách gác chuông, đình Lương Xá bị hạ giải và phá hỏng toàn bộ hệ thống các mảng chạm trên mái, núi Cái Hạ (Ninh Bình) bị đổ bê tông thành đường lên núi ngắm cảnh, chùa Khúc Thủy bị xây mới bê tông cốt thép bốn năm tầng… Vi phạm chồng lên vi phạm. Xử lý chưa xong vụ này đã tiếp tục có vụ khác. Và những quyết định xử phạt thì cũng chỉ như ngọn gió nhẹ thổi vào những sai phạm. Chùa Bối Khê bị phạt hành chính 20 triệu đồng. Doanh nghiệp Doanh Sinh ở Thung Nham (Hoa Lư, Ninh Bình) bị phạt 50 triệu đồng. Như một vị Giáo sư từng nói: “Phạm luật nào cũng bị phạt, chỉ có vi phạm Luật Di sản là chẳng bị làm sao cả”. Đó phải chăng cũng chính là lý do khiến cho di sản hằng năm cứ bị xâm hại, bị mai một?
Những công trình bê tông đã bị tháo dỡ. Chủ đầu tư thi công cũng đã bị phạt. Nhưng những thứ nguyên bản, hồn cốt của từng di sản, di tích thì mãi mãi mất đi, dù có qua thời gian cũng không thể trở lại như trước được. Hy vọng rằng, trong năm mới 2020, di sản sẽ không phải gióng lên những hồi chuông vừa gấp gáp, vừa buồn như vậy.
Tuyết Loan