Thứ sáu, 26/04/2024 16:08 (GMT+7)
Thứ hai, 21/11/2022 05:55 (GMT+7)

2 phân khúc bất động sản tăng giá bất chấp thị trường đi xuống

Theo dõi KTMT trên

Trong khi phân khúc đất nền sụt giảm nặng nề nhất thì xu hướng tăng giá cả ở phân khúc nhà ở và văn phòng tại Hà Nội, TP.HCM

Phân khúc nhà ở và văn phòng đều có xu hướng tăng giá

Theo các chuyên gia, từ đầu năm 2022 đến nay, giá bất động sản (BĐS) có xu hướng chung là chững lại, chỉ tăng ở một số vị trí, loại sản phẩm. Thậm chí ở nhiều nơi xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ giá đã giảm, nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều đang phải tìm cách bán cắt lỗ.

Báo cáo mới công bố về chỉ số giá bất động sản của Savills quý III/2022 cho biết, cả phân khúc nhà ở và văn phòng tại Hà Nội, TP.HCM đều có xu hướng tăng giá.

2 phân khúc bất động sản tăng giá bất chấp thị trường đi xuống - Ảnh 1
Cả phân khúc nhà ở và văn phòng tại Hà Nội, TP.HCM đều có xu hướng tăng giá. (Ảnh minh họa)

Chỉ số giá nhà ở tại TP.HCM là 130 điểm, tăng 1 điểm theo quý. Sự gia tăng này đến từ việc giá sản phẩm hạng B tại quận 9 tăng 13% theo quý và ở Nhà Bè tăng 5% theo quý.

Đi ngược với giá, tỷ lệ hấp thụ lại có xu hướng đi xuống. Quý III năm nay, tỷ lệ hấp thụ đạt 15%, giảm 54 điểm phần trăm theo quý, tăng 1 điểm phần trăm theo năm.

Đơn vị công bố báo cáo cũng cho biết, sự sụt giảm đáng kể đến từ việc giá sơ cấp tăng cao, niềm tin của người mua nhà giảm bởi lãi suất tăng và kiểm soát tín dụng chặt chẽ. Nguồn cung nhà ở hạng B chiếm 54% nguồn cung sơ cấp, với giá cao nhất là 10 tỷ đồng/căn. Còn dòng sản phẩm hạng A chiếm 23% nguồn cung sơ cấp, với mức giá lên tới 30 tỷ đồng/căn.

Chỉ số này tại Hà Nội cũng ghi nhận đà tăng với 8 điểm theo quý, đạt mức 126,1 điểm, ghi nhận mức tăng trong 12 quý liên tiếp, cao hơn 21% so với mức đáy 104,1 điểm tại quý III/2019. Giá bán trung bình đạt 37 triệu đồng/m2, tăng 8% theo quý do có các dự án mới gia nhập thị trường và 65% các dự án mở bán tăng giá.

Nguồn cung hạn chế, chất lượng được cải thiện và chi phí xây dựng gia tăng đã thúc đẩy giá nhà ở tại Hà Nội tăng, chuyên gia Savills lý giải.

Báo cáo của một số đơn vị nghiên cứu thị trường khác cũng chỉ ra xu hướng tăng giá của phân khúc chung cư. Theo Batdongsan.com.vn, chung cư tiếp tục tăng giá và tăng mạnh nhất ở phân khúc cao cấp.

Về mặt bằng giá rao bán chung cư cả Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tốc độ tăng giá chung cư Hà Nội mạnh hơn khá nhiều so với TP.HCM.

Cụ thể, dữ liệu thống kê 10 tháng đầu năm cho thấy giá rao bán căn hộ tăng từ 3-17% tại Hà Nội và tăng từ 3% đến 7% tại TP.HCM tùy từng phân khúc. Trong đó, căn hộ cao cấp dẫn đầu về tốc độ tăng giá ở cả Hà Nội và TP.HCM, lần lượt tăng 17% và 7% so với cùng kỳ năm 2021.

Lượt tìm mua và lượng tin đăng bán chung cư cao cấp ở TP.HCM cũng có mức tăng ấn tượng, lần lượt là 23% và 29%, cao hơn hẳn phân khúc trung cấp và bình dân. Dữ liệu này phần nào phản ánh phân khúc cao cấp đang áp đảo thị trường chung cư TP.HCM về mức độ tăng nhu cầu tìm kiếm, lượng tin đăng cũng như giá rao bán.

Trong khi đó, người mua chung cư tại Hà Nội vẫn săn đón các sản phẩm bình dân. Phân khúc này có tốc độ tăng giá thấp nhất trên thị trường chung cư Hà Nội (chỉ tăng 3%) nên cũng thu hút lượng quan tâm tăng cao nhất (20%), mặc dù mức độ quan tâm đến chung cư trung và cao cấp chỉ tăng 12%.

Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ bình dân hạn chế nên người mua cũng không có nhiều lựa chọn. Lượng tin đăng chung cư bình dân chỉ tăng 6% trong 10 tháng qua so với cùng kỳ năm trước, hoàn toàn lép vế so với mức tăng từ 14-17% của phân khúc trung và cao cấp.

Một phân khúc khác ngoài nhà ở cũng tăng giá

Ở phân khúc văn phòng, báo cáo chỉ số giá cho thấy, thị trường văn phòng TP.HCM được cải thiện trong quý III sau một thời gian ổn định trong thời kỳ đại dịch.

Chỉ số văn phòng TP.HCM đạt 98 điểm, tăng 3 điểm theo quý và 5 điểm theo năm. Công suất cho thuê Hạng B tăng 3 điểm phần trăm theo quý lên 92%, hạng A tăng 2 điểm phần trăm theo quý lên 97% và hạng C tăng 1 điểm phần trăm theo quý lên 94%; sự gia tăng đã thúc đẩy sự cải thiện.

Báo cáo cũng cho thấy văn phòng khu vực ngoài trung tâm đang có tốc độ tăng trưởng về giá khá nhanh. Cụ thể, chỉ số của khu vực ngoài trung tâm đã tăng lên 111 điểm trong quý này, tăng 4 điểm theo quý và 7 điểm theo năm.

Tỷ lệ lấp đầy ở khu vực ngoài trung tâm cải thiện 2 điểm phần trăm theo quý và 4 điểm phần trăm theo năm lên 91%, và giá thuê tăng 1% theo quý và 3% theo năm.

Tại Hà Nội, chỉ số giá văn phòng đạt 72,9 điểm, tăng 2,4 điểm theo quý và 6 điểm theo năm, mức cao nhất trong vòng 5 năm. Công suất thuê ở tất cả các phân khúc đều tăng, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hậu Covid-19. Công suất cho thuê của hạng C có mức tăng lớn nhất 4 điểm phần trăm theo quý đạt 96%. Công suất của Hạng A đạt 84% và Hạng B đạt 89% sau khi cả hai hạng đều cải thiện 1 điểm phần trăm theo quý.

Các chuyên gia của Batdongsan.com.vn nhìn nhận, xu hướng tăng trưởng lượt quan tâm nhà đất trong 10 tháng đầu năm nay cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản sau giai đoạn chịu tác động tiêu cực từ Covid-19. Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn nếu so sánh với cùng kỳ 2019. Bên cạnh đó, dù nhu cầu mua bất động sản 10 tháng đầu năm tăng nhưng chủ yếu tăng ở giai đoạn nửa đầu năm khi xuất hiện một số đợt sốt đất cục bộ và đã có xu hướng giảm trong quý III.

Chuyên gia cho biết: "Thanh khoản thị trường đang chịu ảnh hưởng từ chính sách kiểm soát tín dụng, thiếu hụt nguồn cung và biến động lãi suất. Tuy nhiên, sự sụt giảm nặng nề nhất chủ yếu rơi vào đất nền và căn hộ hạng sang. Một số loại hình bất động sản đáp ứng tiêu chí an toàn, phục vụ nhu cầu ở thực và khả năng khai thác giá trị thương mại vẫn nhận được sự quan tâm".

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam mới đây cho rằng, trong thời gian gần đây, giá BĐS liên tục tăng, cấu trúc thị trường phân bố mạnh vào BĐS đầu cơ, giá cao. Dòng tiền đổ mạnh cho nhu cầu trú ẩn và đầu cơ nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực. Đang có sự phân ly mạnh mẽ giữa giá đất nền và giá căn hộ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, những tháng cuối năm, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt, trong khi thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết 2 phân khúc bất động sản tăng giá bất chấp thị trường đi xuống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới