Thứ sáu, 22/11/2024 17:29 (GMT+7)
Thứ bảy, 17/07/2021 18:07 (GMT+7)

19 tỉnh, thành phố phía Nam chính thức giãn cách từ 0h ngày 19/7

Theo dõi KTMT trên

Từ 0h ngày 19/7, 19 tỉnh thành phía Nam sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; trong đó có 3 tỉnh thành hiện đang áp dụng Chỉ thị 16 là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công văn số 969/TTg-KGVX gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 tại một số địa phương.

Công văn nêu rõ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các địa phương.

Cùng với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai (đã thực hiện); bổ sung TP.Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày. Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0 giờ 00 phút ngày 19/7/2021.

19 tỉnh, thành phố phía Nam chính thức giãn cách từ 0h ngày 19/7 - Ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN)

Đối với tỉnh, thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày 17/7, căn cứ kết quả chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định tiếp tục giãn cách xã hội như trước đây, hoặc kéo dài thời gian cùng với các tỉnh mới được bổ sung.

Thủ tướng giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chỉ đạo, phân công, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 16.

Đồng thời lưu ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế, bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng.

Không để "chặt trong, lỏng ngoài"

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị 16, đồng thời lưu ý, kiên quyết không để "chặt ngoài, lỏng trong”; xác định rõ đầu mối và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và từng cấp chính quyền, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, yêu cầu về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không để xảy ra các trường hợp tụ tập đông người theo quy định.

Quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần bảo đảm tốt nhất an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong nội bộ tỉnh, thành phố và với các địa phương khác. Chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch; không để thừa, thiếu hàng hóa, ách tắc giao thông.

Trong điều kiện phòng chống dịch cấp bách, Thủ tướng kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường; chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K.

Việc thực hiện Chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.

Bộ Công Thương: Người dân không nên nóng ruột, tích trữ, mua nhiều hàng hóa

Bộ Công Thương đã chuẩn bị cung ứng hàng hóa thiết yếu như thế nào khi áp dụng chỉ thị 16 trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia và kế hoạch của Bộ Công Thương, chúng tôi đã chuẩn bị các kịch bản cho tình huống áp dụng chỉ thị 16 trên 19 tỉnh, thành phố.

Xin khẳng định với người dân và các cấp là chúng ta chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ đời sống người dân. Song chúng tôi cũng lưu ý người dân phải chuẩn bị tinh thần là sẽ có những xáo trộn nhất định.

Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với TP.HCM và tỉnh, thành phố khác để có phương án vận chuyển hàng hóa đến những nơi áp dụng chỉ thị 16 và đưa đến các nơi cần thiết nhất để người dân thuận tiện trong tiếp cận thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống.

Vấn đề người dân quan tâm nhất là có đủ hàng, mua ở đâu thuận tiện nhất vì trong thời gian giãn cách sẽ gặp khó khăn khi đi lại. Bộ phối hợp với các địa phương triển khai việc này thế nào?

Như tôi đã nói, việc đầu tiên là phải đưa mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, đến các địa phương đang áp dụng chỉ thị 16. Tuy nhiên, mỗi địa phương có đặc điểm tình hình khác nhau, đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trung ương, nhất là Bộ Công thương, để đưa ra khuyến cáo cụ thể với người dân.

Đơn cử như TP.HCM đang dừng hoạt động khoảng 2/3 chợ truyền thống và đầu mối, do đó 30% nhu cầu còn lại của người dân tập trung vào các siêu thị, trung tâm thương mại, do vậy phải tăng giờ bán lên hằng ngày và phải tính đến việc mở lại một số chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm quy định phòng chống dịch để tăng đầu mối cung cấp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Mặt khác, một việc đang được áp dụng thành công, có hiệu quả là tổ chức bán hàng lưu động, không chỉ địa phương mà nhiều cơ quan cũng đã vào cuộc như hệ thống bưu điện, Viettel Post. Thời gian tới, phải có sự phối hợp tốt hơn, nhịp nhàng hơn để phục vụ người dân.

Ông có khuyến cáo gì khi một số người dân có tâm lý mua hàng tích trữ?

Chúng ta đã có kinh nghiệm áp dụng chỉ thị 16 tại một số nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM. Xin khẳng định Chính phủ và các Bộ, ngành luôn đảm bảo đủ hàng phục vụ nhu cầu người dân. Mong người dân bình tĩnh, tin tưởng vào các chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành và địa phương, chúng tôi làm hết sức mình để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân.

Nếu người dân đổ xô tới những nơi đông người cũng là một nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Người dân không nên nóng ruột, tích trữ mua nhiều hàng hóa, mà cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, địa phương.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 19 tỉnh, thành phố phía Nam chính thức giãn cách từ 0h ngày 19/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới