Yêu cầu công khai giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông để người dân giám sát
Những tổ chức, cá nhân được phép khai thác cát, sỏi lòng sông thực hiện nghiêm yêu cầu công khai thông tin Giấy phép khai thác về thời gian, phương tiện, phạm vi, công suất khai thác để người dân, địa phương giám sát.
Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh việc quản lý khai thác cát sỏi lòng sông, điển hình là sau vụ việc doanh nghiệp "tí hon" ở TP HCM trúng đấu giá mỏ cát ở tỉnh An Giang với giá 2.811 tỉ đồng gây xôn xao dư luận, ông Lại Hồng Thanh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, thẩm quyền đấu giá quyền khai thác vật liệu xây dựng, cát sỏi lòng sông thuộc UBND cấp tỉnh.
“Do tính chất quan trọng, đặc thù của lĩnh vực này nên dù đã có Luật Khoáng sản, Chính phủ phải ban hành Nghị định 23/2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nghị định 23/2020 đã quy định rất rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc cấp phép và lập quy hoạch thăm dò, khu vực khoanh định, tạm thời cấm khai thác. Khu vực khoanh định cấm thì không thể cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản ở đó", ông Thanh cho hay.
Ngoài ra, Nghị định số 23/2020 nêu rõ việc cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông phải bảo đảm các nguyên tắc khi cấp phép thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 40, khoản 1 Điều 53 Luật Khoáng sản và các nguyên tắc sau: Được thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản (trừ trường hợp thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định).
Trường hợp khu vực đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông nằm giáp ranh từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, trước khi cấp phép, UBND cấp tỉnh nơi có tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép phải lấy ý kiến bằng văn bản của UBND cấp tỉnh là địa phương giáp ranh.
Ngoài ra, trước khi cấp phép, UBND cấp tỉnh lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về đường thủy nội địa, phòng chống thiên tai, thủy lợi và đáp ứng các yêu cầu quy định.
Trong đó phải bảo vệ, duy trì khả năng thoát lũ của sông; không gây bồi lắng, xói, lở lòng sông, gây mất ổn định bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng của nguồn nước. Yêu cầu tổ chức, cá nhân được phép khai thác cát, sỏi lòng sông thực hiện nghiêm yêu cầu công khai thông tin Giấy phép khai thác về thời gian khai thác; phương tiện khai thác đã đăng ký khi cấp phép; phạm vi, công suất khai thác để người dân, địa phương giám sát.
Bộ TN&MT đôn đốc thực hiện Nghị định 23 trong khai thác cát, sỏi lòng sông
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Công văn số 2077/BTNMT-TNN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, ngày 24/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ bãi sông (sau đây gọi tắt là Nghị định số 23/2020/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/4/2020, trong đó có các quy định cụ thể về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Triển khai thực hiện Nghị định nêu trên, ngày 22/9/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 5195/BTNMT-TNN đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND tỉnh) tổ chức thực hiện Nghị định nêu trên.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương vẫn có tình trạng san, lấp, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông hoặc hoạt động khai thác khoáng sản, cát, sỏi lòng sông gây ra hiện tượng sạt, lở bờ sông. Do đó, để bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, đảm bảo sự lưu thông của dòng chảy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan tổ chức thực hiện đầy đủ nội dung của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP và yêu cầu tại Văn bản số 5195/BTNMT-TNN, trong đó lưu ý khi thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác cát, sỏi và cải tạo cảnh quan cần tuân thủ đầy đủ về thẩm quyền, quy định kỹ thuật và các yêu cầu về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Cụ thể, đối với các dự án khai thác cát, sỏi lòng sông, việc cấp phép thăm dò, khai thác ngoài việc tuân thủ pháp luật về khoáng sản, môi trường còn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 14 và Điều 15 của Nghị định.
Đối với các dự án cải tạo cảnh quan ven sông: đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 14 và Điều 18 của Nghị định, trong đó hạn chế tối đa việc lấn sông, thu hẹp không gian chứa, thoát lũ của sông. Trường hợp đặc biệt phải lấn sông để thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt, lở bờ sông, bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông hoặc các yêu cầu khác về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, thì phải gắn với các yêu cầu về chỉnh trị sông, cải tạo cảnh quan ven sông và phần diện tích sông bị lấn chỉ sử dụng cho các mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan có chung ranh giới hành chính là các dòng sông tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản theo “Quy chế phối hợp trong quản lý cát, sỏi lòng sông, kiểm tra, xử lý vi phạm tại khu vực giáp ranh” đã ký kết hoặc tiếp tục xây dựng Quy chế phối hợp nếu chưa ban hành.
Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra, đánh giá diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông trên địa bàn tỉnh; tổ chức khoanh định khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh; khi xây dựng quy hoạch tỉnh phải có nội dung về quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông theo quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP.
Văn Ngân