Thứ năm, 25/04/2024 23:32 (GMT+7)
    Thứ năm, 14/07/2022 18:50 (GMT+7)

    Yên Bái: Tham gia OCOP, sản phẩm của cơ sở luôn trong tình trạng cháy hàng

    Theo dõi KTMT trên

    Với 138 sản phẩm được chứng nhận OCOP, tỉnh Yên Bái vẫn đang tiếp tục hỗ trợ bà con hoàn thiện thủ tục nhằm nâng cao chất lượng và uy tín của sản phẩm đặc trưng của địa phương.

    Tham gia đề án OCOP nhằm nâng cao uy tín sản phẩm

    Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái như mộc nhĩ, nấm linh chi, nước khoáng đóng chai, miến dong, chè, gạo, quế… được khách hàng thập phương biết tới với chất lượng cao, mẫu mã đẹp, tuy nhiên, sản lượng một số sản phẩm trong tình trạng thiếu do sản lượng không đủ đáp ứng cho thị trường.

    Yên Bái: Tham gia OCOP, sản phẩm của cơ sở luôn trong tình trạng cháy hàng - Ảnh 1
    Anh Đoàn Văn Dũng, chủ cơ sở sản xuất nấm linh chi tại thành phố Yên Bái, mong muốn được tham gia OCOP nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm đưa sản phẩm tiêu thụ trên toàn quốc.

    Chia sẻ với phóng viên, chị Phạm Thị Hoa, chủ cơ sở sản xuất mộc nhĩ khô Minh Bảo cho hay, gia đình tôi trồng nấm đã hơn 10 năm được đưa đi tiêu thụ ở Yên Bái, Hà Nội... Cách đây hai năm, gia đình tôi được chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ làm thủ tục tham gia chương trình OCOP nhằm đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nấm của gia đình.

    Kể từ khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm của gia đình tôi luôn trong tình trạng cháy hàng, khách đơn lẻ, khách mua buôn đều gọi cho tôi để đặt hàng, tuy nhiên, sản lượng của gia đình chỉ có hạn, nên không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

    Chị Hoa bày tỏ, từ khi sản phẩm của gia đình tôi được đăng ký chương trình OCOP, chúng tôi phải mở rộng thêm cơ sở sản xuất, nhân công đóng gói để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng, không những vậy, khách hàng mua sản phẩm của gia đình luôn yên tâm vì trích xuất được nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, thực hiện theo quy trình được cơ quan chức năng thẩm định.

    Với sản lượng hàng năm của cơ sở nấm mộc nhĩ khô là 2 tấn và nấm sò tươi là hơn 1 tấn, mang lại doanh thu khoảng 350 triệu.

    Chị Hoa bày tỏ, chị mong muốn các cấp chính quyền và đơn vị hỗ trợ vay vốn để đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu mua mộc nhĩ khô của thị trường trong tỉnh Yên Bái và khu vực phía Bắc.

    Là một chủ cơ sở sản xuất nấm linh chi tại thành phố Yên Bái, anh Đoàn Văn Dũng (sinh năm 1988) đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục tham gia vào chương trình OCOP cho sản phẩm của mình.

    Yên Bái: Tham gia OCOP, sản phẩm của cơ sở luôn trong tình trạng cháy hàng - Ảnh 2
    Sản phẩm miến đao Giới Phiên đã được chứng nhận 4 sao với thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Yên Bái và Hà Nội.

    Anh Dũng chia sẻ, tôi đã trồng nấm linh chi được mấy năm, chủ yếu là bán lẻ và bán buôn cho các công ty dược phẩm. Qua tìm hiểu và được tư vấn, tôi đã quyết định tham gia vào chương trình OCOP nhằm giúp cho khách hàng biết nhiều hơn về thương hiệu của mình, tin tưởng hơn vào sản phẩm nấm linh chi và nâng cao hơn giá trị sản phẩm của mình để sản phẩm nấm linh chi có thể vượt xa hơn khỏi địa phương trong tỉnh.

    Trước đây, sản phẩm của anh trồng bán đổ cho công ty dược chỉ được 400 nghìn đồng/kg mà không có lời nhiều, trong khi đó, giá bán lẻ có thể lên tới 700 nghìn đồng/kg, nhưng số lượng bán lẻ không nhiều, vì nhiều người không biết tới sản phẩm của mình, chưa tin tưởng sản phẩm vì không thể trích xuất được thông tin... chính vì vậy, sản lượng hàng năm anh chỉ dám tạo ra sản lượng khoảng 4 tạ, mặc dù, anh có thể đáp ứng được sản lượng gấp nhiều lần.

    Khi anh hoàn tất tham gia chương trình OCOP, anh sẽ mở rộng sản xuất nấm linh chi, mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ ở miền Bắc, mà anh sẽ đưa sản phẩm tới Hà Nội và miền Nam đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

    Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có tới 8 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Qua ghi nhận của phóng viên tại cửa hàng sản phẩm OCOP Yên Bái tại đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, rất nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày, bán cho khách hàng như dầu vừng Thái Sơn, dầu lạc Thái Sơn, mật ong Mù Cang Chải, tinh dầu Văn Yên, miến đao Giới Phiên, chè Shan tuyến Púng Luông, chè bát tiên Bảo Hưng… các sản phẩm OCOP với mẫu mã bao bì bắt mắt thu hút nhiều khách hàng tới tham quan, mua sắm.

    Chia sẻ với phóng viên, chị Trần Thanh Hà (một khách hàng thường xuyên của sản phẩm OCOP) nói: “Tôi rất thích sản phẩm OCOP như miến dong, chè shan tuyết, mật ong nên tôi thường đến cửa hàng OCOP để mua bởi ở đây chất lượng sản phẩm thì khỏi phải bàn vì đã được các cơ quan kiểm tra rồi và tôi cũng luôn mua ủng hộ các sản phẩm địa phương trong tỉnh Yên Bái.”

    Gần 140 sản phẩm được chứng nhận OCOP

    Chủ cửa hàng sản phẩm OCOP trên địa bàn Yên Bái chia sẻ, sản phẩm OCOP chất lượng luôn đảm bảo là tiêu chí mà khách hàng thường xuyên đến với chúng tôi. Tuy nhiên, sản phẩm này chưa đa dạng và giá thành cao hơn so với những sản phẩm cùng loại khác nên sức tiêu thụ không được như nhiều cửa hàng tiện lợi khác.

    Yên Bái: Tham gia OCOP, sản phẩm của cơ sở luôn trong tình trạng cháy hàng - Ảnh 3
    Rất nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày, bán tại 8 địa điểm trên toàn tỉnh Yên Bái.

    Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP năm 2022 đã có nhiều hoạt động thiết thực như lấy ý kiến lần 1 tham gia vào Đề án thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và đang tham mưu văn bản xin ý kiến lần 2 của sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài Chính tham gia vào Đề án.

    Trong 6 tháng đầu năm 2022, cấp huyện trong tỉnh Yên Bái đã đánh giá được 3 sản phẩm OCOP gồm Cao xương ngựa bạch Bạch Vương Vũ; Cà chua an toàn Tuy Lộc và Cao dê Kiều Oanh của thành phố Yên Bái. Các sản phẩm khác đang hoàn thiện hồ sơ theo góp ý của Hội đồng thành phố gửi Hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh đợt 1. Huyện Yên Bình dự kiến đánh giá cấp huyện trong tháng 7/2022 với 4 sản phẩm gồm Thịt trâu sấy Hiền Vinh, Dưa hấu bán ngập Yên Thành, Dưa hấu xã Mỹ Gia và sản phẩm Rượu ủ gỗ sồi mộc Yên Hưng 370.

    Cũng theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh có 138 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 20 sản phẩm đạt 4 sao (2 sản phẩm nâng cấp năm 2019 và 2 sản phẩm nâng cấp năm 2020), 118 sản phẩm đạt 3 sao thuộc bốn nhóm ngành hàng là thực phẩm có 98 sản phẩm; ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí có 5 sản phẩm; ngành thảo dược có 19 sản phẩm; ngành đồ uống có 3 sản phẩm và ngành dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng có 13 sản phẩm.

    Yên Bái: Tham gia OCOP, sản phẩm của cơ sở luôn trong tình trạng cháy hàng - Ảnh 4
    Khách hàng luôn yên tâm khi mua sản phẩm OCOP bởi chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái đã được kiểm nghiệm.

    Trong thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái tiếp tục hướng dẫn, tổ chức chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (từ 3 đến 4 sao) cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, UBND tỉnh Yên Bái ban hành các văn bản theo trình tự thực hiện của Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP và phấn đấu cuối năm 2022 trên toàn tỉnh đánh giá cấp chứng nhận từ 7-10 sản phẩm OCOP của địa phương.

    Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP vẫn còn gặp một số khó khăn như đang chỉnh sửa, hoàn thiện còn phụ thuộc nhiều đơn vị tham gia bằng văn bản góp ý. Các sản phẩm đánh giá còn phụ thuộc mùa vụ, yêu cầu hồ sơ bắt buộc và minh chứng cần đầy đủ các loại giấy xác nhận...

    Đức Mậu

    Bạn đang đọc bài viết Yên Bái: Tham gia OCOP, sản phẩm của cơ sở luôn trong tình trạng cháy hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
    Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.