Thứ sáu, 22/11/2024 18:39 (GMT+7)
Thứ hai, 13/05/2019 08:43 (GMT+7)

Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc gặp khó vì nhân công “chui”

Theo dõi KTMT trên

Dù hết hạn hợp đồng nhưng rất nhiều lao động Việt Nam không chịu về nước và làm việc “chui” tại nước bạn. Nhằm giảm thiểu tình trang này, trong năm 2019, Hàn Quốc sẽ hạn chế tuyển dụng tại những quận, huyện có tỷ lệ lao động bỏ trốn trên 60 người.

Hàn Quốc hiện vẫn được coi là một thị trường lao động hấp dẫn, dễ kiếm việc làm đối với lao động Việt Nam. Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho đến nay đã có trên 100.000 lượt lao động Việt Nam được đưa sang làm việc tại “xứ sở kim chi” trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện tại có tới 23.000 lao động cư trú bất hợp pháp tại nước bạn. Có thể nói trong vài năm trở lại đây, tình trạng lao động Việt Nam hết hạn không về nước, lao động “chui” tại Hàn Quốc trở thành vấn đề nổi cộm.

Để giảm thiểu tình trạng này, mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố danh sách các quận, huyện bị tạm dừng tuyển lao động sang làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS trong năm 2019. Đây được coi là một trong nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng nhưng không về nước.

Trong danh sách mới công bố, 100 quận/huyện thuộc diện xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2019 là những địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước từ 30% trở lên. Với những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên sẽ bị tạm dừng tuyển chọn trong năm 2019.

Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc gặp khó vì nhân công “chui” - Ảnh 1
Người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: nld.com.vn

Được biết, đây không phải lần đầu tiên phía Hàn Quốc đưa ra đề nghị này, bởi trước đó, từ tháng 8/2012, Việt Nam đã không ký được Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS do tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước chiếm trên 55%.

Sau thời gian triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tháng 5/2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký bản Bản ghi nhớ (MOU) bình thường, chính thức nối lại việc phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS sau gần 4 năm bị gián đoạn. Trong đó, có chính sách hạn chế tuyển chọn lao động đối với một số địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao tại Hàn Quốc.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tỷ lệ lao động bỏ trốn được phía Hàn Quốc theo dõi trên hệ thống và thông báo cho cơ quan quản lý hàng tháng. Căn cứ vào thông báo của phía Hàn Quốc về tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vào thời điểm cuối năm 2019, năm 2020 sẽ tiếp tục dừng tuyển chọn lao động tại các địa phương không giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp. Đồng thời, việc tạm dừng sẽ được dỡ bỏ đối với các địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Trần Giang(T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc gặp khó vì nhân công “chui”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới