Thứ hai, 25/11/2024 01:08 (GMT+7)
Thứ hai, 20/09/2021 07:57 (GMT+7)

Xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam có thể bị mất thị trường bởi cước phí vận tải quá cao

Theo dõi KTMT trên

Giá xuất khẩu tiêu hiện vững đỉnh trong gần 4 năm qua, nhưng kim ngạch xuất khẩu tiêu Việt Nam trong tháng 8/2021 giảm hơn 30% so với tháng trước. Nhiều đối tác lớn của Việt Nam đang dần chuyển đơn hàng sang Brazil và Indonesia do giá rẻ hơn.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá tiêu xuất khẩu trong tháng 8/2021 đạt mức cao nhất gần 4 năm nay, với 3.736 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 7/2021 và tăng mạnh 49,4% so với tháng 8 năm ngoái. Đây được coi là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác giảm.

Tuy nhiên, dường như ngành tiêu đang để lỡ cơ hội giá tiêu tăng mạnh này khi kết quả xuất khẩu giảm sút trong tháng 8. Lượng hạt tiêu xuất khẩu trong tháng 8 đạt xấp xỉ 17.000 tấn, giảm 36% so với tháng 7, cũng là sản lượng xuất khẩu tiêu thấp nhất kể từ tháng 2/2021 của Việt Nam.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm trong tháng vừa qua. Bên cạnh đó, cước tàu vận chuyển tăng phi mã cũng khiến các doanh nghiệp tiêu đối mặt với áp lực chi phí. Hàng hóa đưa ra cảng bị ách tắc, hợp đồng xuất khẩu không đi được vì giá cước quá cao.

Đối với hồ tiêu Việt Nam, Mỹ và EU là 2 thị trường chính. Trong đó, xuất khẩu hồ tiêu sang Mỹ chiếm 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu tiêu của cả nước và luôn duy trì sức mua ổn định cho tới hiện tại. 

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), đây là 2 tuyến vận chuyển đường biển có mức tăng giá cước phi mã và bất thường nhất, với mức tăng khoảng 1.500-2.000 USD cho một container 40 feet sau mỗi 2 tuần. 

So với thời điểm 2020, cước vận chuyển đi EU thường ổn định ở mức 800-1.200 USD cho 1 container 40 feet, nhưng bây giờ tăng trên 11.000 USD, tức là tăng 12-13 lần so với mức giá đầu năm 2020. Cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD, tức là tăng 5-6 lần.

Theo so sánh của VPA, cước từ các nước châu Á khác như Ấn Độ đi Mỹ và EU lại không tăng nhiều như ở Việt Nam. VPA cũng cho rằng việc tăng này là phi lý và bất thường bởi giá dầu, chi phí cốt lõi để cấu thành ra giá thành trong vận tải đường biển đang ở mức giá thấp hơn nhiều so với trước đây.

Theo thông tin của VPA, thời gian gần đây, Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam và quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.

Ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó chủ tịch VPA cho biết "Mọi chi phí đang rất cao. Giá tiêu hiện khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg cộng thêm chi phí logistics trên trời thì không khách hàng nào mua nổi. Giai đoạn này còn là cuối vụ, tồn kho không còn nhiều. Trong khi Brazil và Indonesia lại còn hàng và chi phí vận tải rẻ hơn nhiều so với Việt Nam. Do đó, khách hàng sẽ chuyển qua Brazil và Indonesia để thay thế".

Trước vấn đề này, VPA đã gửi công văn tới Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ "vấn nạn thiếu container, thiếu chỗ" và đưa giá cước trở lại như trước đây.

Bảo Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam có thể bị mất thị trường bởi cước phí vận tải quá cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới