Sản xuất theo nông nghiệp sạch: Hướng đi mới cho hồ tiêu Việt Nam
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu để phát triển cây tiêu bền vững ở Việt Nam.
Thu hoạch tiêu. (Nguồn: TTXVN) |
Trong 2 tháng trở lại đây, giá hồ tiêu trong nước liên tục tăng, báo hiệu sự khởi sắc. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành hồ tiêu nói chung và nông dân sản xuất hồ tiêu nói riêng.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngành hồ tiêu cho rằng, để giữ được giá hồ tiêu ổn định, tránh cung vượt cầu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hồ tiêu phải đa dạng sản phẩm tiêu chế biến.
Khởi sắc từ đơn hàng cũ và lễ hội
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm khoảng một nửa sản lượng hồ tiêu của toàn cầu.
Tính đến cuối tháng 4, vụ thu hoạch hạt tiêu năm 2020 của Việt Nam đã đạt trên 50% với sản lượng ước đạt 250.000 tấn, tồn kho năm 2019 chuyển sang khoảng 90.000 tấn. Do đó, nguồn cung năm 2020 ước đạt khoảng 350.000 tấn.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, giá tiêu liên tục tăng mạnh, chạm mức 50.000 đồng/kg. So với hồi đầu tháng, giá tiêu hiện tăng từ 10.500-11.000 đồng/kg lên 48.500 - 50.000 đồng/kg.
Ông Hải phân tích có ba nguyên nhân chính dẫn đến giá tiêu tăng mạnh trong thời gian qua. Đầu tiên, tại Trung Quốc, lệnh giãn cách xã hội đã nới lỏng dần, do đó, nhu cầu hồ tiêu đang dần phục hồi trở lại.
Nguyên nhân thứ hai, thời điểm sau Tết, một số doanh nghiệp ký hợp đồng bán tiêu giao trong thời điểm tháng 5, do đó hiện tại nguồn cung bị thiếu tạm thời.
Cuối cùng, chính là người dân thấy giá tăng nên găm hàng và hạn chế bán ra để chờ giá tăng hơn nữa. Điều này khiến nguồn cung ở các doanh nghiệp vốn đã thấp nay còn khan hiếm hơn.
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu thu mua hạt tiêu của các doanh nghiệp tăng mạnh, trong khi người dân hạn chế bán ra khiến giá hạt tiêu tăng. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới do lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ổn định.
Bà Trần Phước Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Trân Châu chia sẻ, hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của công ty là châu Âu và Hoa Kỳ, ngoài ra còn có một số nước châu Á và khu vực Trung Đông.
Trong quý 2/2020, công ty chủ yếu xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường này, đáp ứng các hợp đồng cũ đã ký kết trước đó. Thời điểm này là thời điểm các doanh nghiệp đồng loạt xuất hàng cho các hợp đồng đã ký nên gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung, đẩy giá hồ tiêu lên cao.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng hồ tiêu trên thế giới tăng cao trong thời điểm các tháng 5, 6, 7/2020 cũng góp phần đẩy giá tiêu đi lên. Các thương nhân kinh doanh hồ tiêu Ấn Độ cho biết, người tiêu dùng Ấn Độ đang tăng cường thu mua để đáp ứng nhu cầu cho các lễ hội chuẩn bị diễn ra trên khắp cả nước.
Hoạt động kinh doanh đồ mang đi và ăn uống tại nhà gia tăng cũng thúc đẩy nhu cầu hạt tiêu, bên cạnh việc sử dụng gia vị này như thuốc.
Theo thông tin của Business Today, với lời khuyên thêm gia vị vào hỗn hợp thực phẩm lành mạnh để cải thiện khả năng miễn dịch và tránh dịch Covid-19 của các chuyên gia y tế trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu sử dụng hồ tiêu tăng lên.
Tăng cường chế biến
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến giữa tháng 7/2020, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam ước đạt 182.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 385 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, với tình dịch dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu lớn của hồ tiêu Việt Nam như Ấn Độ, Mỹ, châu Âu được dự báo sẽ cần thời gian dài mới phục hồi.
Thêm vào đó, tình hình sản xuất tiêu trong nước cũng không thuận lợi. Ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, giá tiêu xuống thấp đã khiến nông dân không còn mặn mà việc chăm sóc vườn tiêu. Cùng với đó, tình hình sâu bệnh dẫn tới năng suất các vườn tiêu giảm.
Trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu tập trung khai thác hiệu quả khu vực đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa, thị trường các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa bằng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết 95% hạt tiêu của Việt Nam dùng cho xuất khẩu, còn lại 5% tiêu thụ ở nội địa. Trong sản lượng hạt tiêu xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, đã bao gồm sản phẩm tiêu chế biến của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu bao gồm tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột; ngoài ra còn có các sản phẩm có số lượng ít như: tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối. Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý, tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10-15% tổng sản lượng.
Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành hàng hạt tiêu có 18 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp, tổng công suất khoảng 70.000-80.000 tấn/năm. Trong đó, có 14 nhà máy có công nghệ khá hiện đại, có sản phẩm chế biến đạt các tiêu chuẩn quốc tế: ESA, ASTA… Tỉ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,4%. Chế biến công nghiệp chiếm khoảng 65% sản lượng.
Do đó, giải pháp dài hơi cho vấn đề này là phải quy hoạch lại vùng sản xuất, sau đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp sạch. Đây là hướng đi tất yếu để phát triển cây tiêu bền vững, ông Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh.
Hồng Nhung