Thứ năm, 19/09/2024 23:23 (GMT+7)
Thứ hai, 26/08/2024 06:31 (GMT+7)

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng ngoạn mục

Theo dõi KTMT trên

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8 đạt 9,5 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng ngoạn mục - Ảnh 1
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty Triệu Phú Lộc.

Với kết quả lũy kế đến 15/8, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã hoàn thành 67% kế hoạch năm mà Bộ NN&PTNT đã đề ra là. Năm 2024, Bộ này đặt mục tiêu đạt 14,2 tỷ USD xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 6% so với năm 2023.

Về thị trường, nhìn chung các thị trường xuất khẩu lớn nhất đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ tăng 25,9% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 4,88 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với 1,2 tỷ USD, tăng tới 39% YoY (tăng trưởng qua từng năm); tiếp đến là Nhật Bản với 961 triệu USD, tăng nhẹ 1,4% YoY. Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hàn Quốc lại giảm 2,1% YoY, còn 452 triệu USD.

Ngoài nhóm thị trường xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD, Việt Nam còn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Malaysia thu về 90,7 triệu USD, tăng 12,8% YoY. Đây cũng là thị trường duy nhất thuộc khối ASEAN lọt Top 10 thị trường xuất khẩu mặt hàng của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024.

Việt Nam còn xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang Austalia với kim ngạch 86 triệu USD, tăng 14,6% YoY; sang Ấn Độ với 84,4 triệu USD, tăng tới 65,8% YoY; sang Pháp với 63,7 triệu USD, tăng 12,9% YoY.

Trong 40 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam, Lào là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất với +150% YoY về kim ngạch. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ có mức giảm sâu nhất với -75,8% YoY.

Triển vọng nhìn chung là tích cực. Tuy nhiên đà tăng trưởng của ngành gỗ vẫn còn nhiều trở ngại, thách thức bởi tác động của sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn diễn biến phức tạp, khó lường; các thị trường xuất khẩu ban hành nhiều quy định, chính sách mới; tình trạng gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa có chiều hướng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp; giá cước vận tải biển tăng cao...

Đặc biệt đối với thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ như Hoa Kỳ, việc Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của quốc gia này, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá. Các vụ kiện có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi kinh tế Hoa Kỳ cũng như thế giới đang có những khủng hoảng, ngành sản xuất tại Hoa Kỳ gặp khó khăn. 

Trong khi đó, với thị trường Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dẫn nguồn tin panelsfurnitureasia.com cho biết, hai tiêu chuẩn xanh về đồ nội thất tại Trung Quốc gồm “Tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm xanh cho đồ nội thất” và “Tiêu chuẩn thiết kế và đánh giá xanh cho đồ nội thất” đã được Cục Quản lý thị trường nhà nước (Ủy ban tiêu chuẩn nhà nước) của nước này sửa đổi và ban hành.

Trong đó, “Tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm xanh cho đồ nội thất” quy định các yêu cầu đánh giá đối với các sản phẩm đồ nội thất và bản sửa đổi này tinh chỉnh các chỉ số liên quan đến “năng lượng” và “carbon thấp”, tối ưu hóa các yêu cầu về tài nguyên, môi trường và các thuộc tính chất lượng.

Tiêu chuẩn đánh giá và thiết kế xanh cho đồ nội thất” làm rõ các thuật ngữ và định nghĩa về thiết kế đồ nội thất xanh, đồng thời chỉ rõ các mục tiêu, nguyên tắc và yêu cầu đánh giá.

Bản sửa đổi tập trung vào việc xanh hóa giai đoạn thiết kế và đưa ra các yêu cầu về đánh giá toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ khâu lựa chọn nguyên liệu thô, sản xuất, bán hàng và sử dụng cho đến tái chế khi kết thúc vòng đời.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng ngoạn mục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới