Xuất khẩu chuối Việt giữ vị trí thứ 5 tại thị trường Nhật
Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu chuối sang Nhật Bản tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020, đưa Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu chuối đứng thứ 5 tại thị trường này.
Với tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 0,6% trong tổng lượng nhập khẩu trái chuối của Nhật Bản. Giá nhập khẩu bình quân trái chuối từ Việt Nam ở mức cao, trong 10 tháng năm 2021 đạt 107,6 nghìn Yên/tấn, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản cho thấy, nhập khẩu trái chuối (mã HS 0803) của Nhật Bản trong 10 tháng năm 2021 đạt 939,8 nghìn tấn, trị giá 93,6 tỷ Yên (tương đương 822,8 triệu USD), tăng 4,7% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chuối nhập khẩu bình quân đạt 99,6 nghìn Yên/tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong cơ cấu nguồn cung cấp trái chuối cho Nhật Bản, Philippin là thị trường cung cấp lớn nhất, với lượng chiếm 75,8% tổng lượng chuối Nhật Bản nhập khẩu trong 10 tháng năm 2021. Tiếp theo là thị trường Ecuador, Mexico, Guatemala. Việt Nam là thị trường cung cấp trái chuối lớn thứ 5 cho Nhật Bản, lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam tăng rất mạnh, mặc dù giá nhập khẩu bình quân giảm mạnh.
Tại Nhật Bản, chuối được tiêu thụ ở mỗi hộ gia đình trong một tháng là từ 9-15 trái chuối. Tuy nhiên, sản lượng chuối của Nhật Bản khá thấp, vì vậy chuối chủ yếu được nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Chuối Laba Đạ K’Nàng (thuộc Hợp tác xã Laba Banana, huyện Đam Rông, tỉnh Đắk Lắk) được biết đến là một trong những thương hiệu chuối Việt nổi tiếng tại Nhật Bản. Sau 3 năm xuất khẩu chuối Laba sang Nhật, đến hiện tại, Hợp tác xã Laba Banana luôn duy trì doanh số xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản mỗi tuần từ 1-3 container, tương ứng từ 9-18 tấn chuối Laba.
Mặt khác, toàn bộ quy trình sản xuất và sơ chế chuối Laba của hợp tác xã được phía Nhật Bản chuyển giao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn cầu. Trong đó có 50 ha diện tích chuối được doanh nghiệp Nhật gắn chip theo dõi và điều khiển chế độ chăm sóc hàng ngày, đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng trong môi trường an toàn dịch bệnh.
Xuất khẩu trái cây tươi sang Nhật là tiềm năng
Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch nhập khẩu rau quả của thị trường Nhật Bản tăng 1,7% mỗi năm. Đến năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 9,38 tỷ USD, trong đó, kim ngạch nhập khẩu rau quả tươi đạt 2,31 tỷ USD; Rau quả đã qua chế biến đạt 3,55 tỷ USD.
Tính trong năm 2020, Nhật Bản nhập 127,6 triệu USD hàng rau quả từ Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Nhật Bản đạt 143,5 triệu USD.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho hay, nhu cầu hoa quả tươi tăng lên với người cao tuổi tại Nhật với xu hướng thích trái cây có vị ngọt, dễ bóc và chuẩn bị. Với thị trường đang già hóa dân số như Nhật Bản, đây chính là cơ hội cho các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam, đặc biệt là các loại quả như chuối, xoài, thanh long, vải xuất khẩu sang thị trường này.
Đáng chú ý, đối với một số loại trái cây Nhật Bản có thể trồng giống với Việt Nam nhu cầu quả vải, thời vụ và sản lượng của quả vải trồng ở Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 5% thị phần tiêu thụ. Mặt khác, loại nông sản này chỉ có thể thu hoạch trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7.
Chính vì sản lượng thấp và khan hiếm như vậy, quả vải nội địa được bán như là một mặt hàng cao cấp, đặc biệt là quả vải trồng ở tỉnh Miyazaki. Quả vải ở đây có thể được bán trực tiếp từ người nông dân đến người tiêu dùng, với giá bán gần 10 USD/quả. Việt Nam nếu biết tận dụng mùa vụ và công nghệ chế biến, sẽ có thể cung cấp sản phẩm vải tươi, vải đông lạnh hoặc đóng hộp cho khách hàng Nhật Bản suốt cả năm.
Qua hai mùa vụ 2020 và 2021, qua nhiều nỗ lực xuất khẩu và quảng bá thương hiệu, quả vải thiều tươi của Việt Nam đã tạo được tiếng vang tại thị trường Nhật Bản. Niên vụ năm 2021, số lượng vải xuất khẩu sang Nhật Bản đã tăng tới 750% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được coi là tín hiệu tốt không chỉ cho quả vải Việt mà còn cho các sản phẩm trái cây tươi khác của nước ta.
Bùi Hằng (T/h)