Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam: Giải bài toán khó
150 khách mời tham gia Hội thảo đã cùng thảo luận đưa ra các giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt.
Ngày 10/12 tại tỉnh Sóc Trăng, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội thảo "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt". Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ngành lúa gạo Việt Nam đang đạt được những thành tựu ấn tượng về xuất khẩu.
Cường quốc xuất khẩu gạo cả về lượng và chất
Tham gia Hội thảo có sự xuất hiện của hơn 150 khách mời. Cụ thể, về phía lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); ông Nguyễn Thành Nam - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)
Về phía lãnh đạo địa phương tỉnh Sóc Trăng có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; ông Vương Quốc Nam - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng. Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng có TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội.
Cùng lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và công nghệ: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ.
Về phía chuyên gia trong nước và quốc tế có ông Sakda Sinives - cố vấn chuyên môn Công ty TNHH A.S Power Green; ông Koji Takeuchi - giám đốc điều hành trang trại Yamabun (Nhật Bản); bà Phoebe Ricarte - chuyên gia Philippines.
Về phía chuyên gia trong nước có sự góp mặt của Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế; ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long; Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - nguyên giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long; Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân - viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long; PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - nguyên giám đốc, nguyên Viện nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long; Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua và các đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã của các địa phương Đồng bằng sông Cửu Lon
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất từ trước đến nay.
Không chỉ tăng về khối lượng và giá trị, trong những năm gần đây, cơ cấu gạo của Việt Nam liên tục thay đổi theo hướng tăng tỉ trọng gạo chất lượng cao, giá trị cao và giảm loại gạo phẩm cấp thấp. Hạt gạo Việt không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn vang danh trên thị trường quốc tế. Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới cả về lượng và chất.
Tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, liên tục trong các năm qua gạo Việt đều lọt vào top 3, trong đó gạo ST25 đã 2 lần trở thành loại gạo ngon nhất thế giới.
Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, thành công hôm nay chưa có gì đảm bảo thành công ngày mai và ngược lại. Thế giới đang chuyển động rất nhanh, xu thế tiêu dùng chắc chắn sẽ còn nhiều thay đổi trong nền kinh tế xanh. Người tiêu dùng sẽ không chỉ chú ý đến chất lượng hạt gạo mà còn quan tâm nhiều hơn đến cách thức tạo ra hạt gạo.
Nhìn ở quy mô quốc tế, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia có sự nhận biết rộng rãi, cũng như thiếu vắng các thương hiệu gạo của doanh nghiệp trên kệ bán lẻ thế giới. Khi nói đến gạo Việt, người tiêu dùng vẫn chưa hình dung ra cụ thể đó là loại gạo cụ thể nào. Trong khi Thái Lan có gạo Thai Hom Mali, Ấn Độ và Pakistan có Basmati Rice, Nhật Bản có gạo Japonica, Ý có gạo Arborio Rice, hay Mỹ có gạo Gạo Calrose... Cần chọn loại gạo nào, phải làm gì để đưa thương hiệu gạo quốc gia của Việt Nam trở nên quen thuộc và trở thành lựa chọn hàng đầu cho người tiêu dùng trên khắp thế giới, đó vừa là ước mơ, vừa là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong giai đoạn hiện nay.
Đại diện Ban tổ chức cho biết, Việt Nam đã có 2 Hiệp hội ngành hàng liên quan đến lúa gạo là Hiệp hội lương thực Việt Nam và Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Chương trình logo thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam đã được xây dựng 6 năm trước đây và ý tưởng về một Hội đồng gạo quốc gia đang được xúc tiến. Tất cả đều hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt. Để từ đó nâng tầm gạo Việt sáng ngang với các thương hiệu gạo hàng đầu thế giới của Thái Lan, của Ấn Độ, hay Nhật Bản.
Chính từ những trăn trở đó, báo Tuổi Trẻ, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo: “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt” nhằm tập hợp các ý kiến, ý tưởng, đóng góp, hiến kế từ các chuyên gia, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, các nhà quản lý, nông dân, Hợp tác xã... để cùng nhau đưa ra một lộ trình và phương hướng sớm xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt trong thời gian sắp tới.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung vào các nội dung chính như Xây dựng thương hiệu -Bài toàn khó của ngành lúa gạo Việt Nam; Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam – Thách thức và cơ hội.
“Hội thảo “Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cho gạo Việt” là hoạt động đầu tiên trong chuỗi chương trình truyền thông xây dựng thương hiệu gạo Việt do báo Tuổi Trẻ khởi xướng và được tổ chức từ năm 2024 đến hết năm 2025 và các năm tiếp theo. Mục tiêu của chương trình là tạo ra một diễn đàn mở, kêu gọi sự tham gia tích cực của các chuyên gia hàng đầu, các doanh nghiệp và các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm, để đưa ra được những đề xuất thiết thực, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng vững mạnh trên thị trường quốc tế”, đại diện Ban tổ chức khẳng định.
Nhu cầu thị trường gạo vô cùng lớn
Nhà báo Trần Xuân Toàn, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, kể câu chuyện bản thân trải nghiệm khi đi chợ Xóm Chiếu (quận 4, TP.HCM). Khi hỏi tiểu thương bán gạo ở chợ này về loại gạo nào bán nhiều nhất và có giá bán cao nhất, ông được cho biết khoảng hai năm nay, gạo ST "đánh bạt" các loại gạo khác, chỉ có bếp ăn tập thể mới mua gạo xá (không đóng bao cứng mà cân theo nhu cầu người mua).
Nhà báo Trần Xuân Toàn, TP.HCM có dân số 13 triệu dân, nhu cầu thị trường gạo vô cùng lớn. Xét rộng ra, Việt Nam có 100 triệu dân, nhu cầu thị trường gạo còn lớn hơn rất nhiều. "Nhu cầu tiêu dùng đã thay đổi trong nhiều năm qua. Người tiêu dùng đã chuyển hướng tiêu dùng gạo chất lượng thay vì số lượng. Và nhìn rộng ra thế giới, nhìn vào con số xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây sẽ thấy được gạo chất lượng đang là nhu cầu lớn”, ông Toàn khẳng định.
Trao đổi với Phóng viên bên lề Hội thảo, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc gạo Việt Nam được vinh danh ở giải thưởng cao nhất của một cuộc thi gạo ngon là một tín hiệu vui cho việc phát triển thương hiệu gạo Việt, giúp hoạt động xuất khẩu gạo có thêm kỳ vọng tăng trưởng thời gian tới. Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2024 của Việt Nam đạt gần 8,5 triệu tấn, giá trị 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 517 USD/tấn, giảm so với mức 520 USD/tấn vào tuần trước.
“Điều đáng nói là cơ cấu chủng loại gạo và chất lượng gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo”, TS.Trần Khắc Tâm chia sẻ.
Theo ông Tâm, hiện gạo cao cấp và gạo thơm chiếm khoảng 50% phân khúc gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đây là định hướng được ngành lúa gạo đề ra trong nhiều năm nay với mục tiêu không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng nhằm tăng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chúng ta vẫn thiếu vắng các thương hiệu gạo Việt trên kệ bán lẻ thế giới.
TS.Trần Khắc Tâm nói rằng, để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế cần có sự hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân. Việc hợp tác này làm sao cho tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.
Đặc biệt, các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gạo cần đồng loạt vào cuộc. Đầu tiên là nâng diện tích sản xuất lúa chất lượng, sau đó đầu tư về hình ảnh để marketing cho thương hiệu gạo Việt Nam tốt hơn. Chúng ta cần đầu tư về chất lượng vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu lớn được canh tác theo tiêu chuẩn cao, sản xuất khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn...
Đâu là thị trường lớn nhất tiêu thụ gạo Việt Nam?
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 11 năm 2024 ước đạt 700.000 tấn và 444,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn và 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm trên 45%. Đến cuối tháng 10/2024, Philippines nhập khẩu 2,91 triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Thị trường lớn tiếp theo là Indonesia và Malaysia. Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần.
Văn Chương