Thứ sáu, 22/11/2024 20:34 (GMT+7)
Thứ năm, 03/09/2020 07:37 (GMT+7)

Xây dựng thành phố Huế xứng tầm đô thị di sản quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Trong giai đoạn 2020- 2025, thành phố Huế sẽ được mở rộng diện tích tự nhiên ra 266 km2, quy mô dân số hơn 652.000 người, gồm 29 phường và 7 xã.

Xây dựng thành phố Huế xứng tầm đô thị di sản quốc gia - Ảnh 1
Thành phố Huế nhìn từ trên cao. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Những năm gần đây, diện mạo của thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã có nhiều thay đổi tích cực, không chỉ giữ được nét cổ kính của hệ thống di tích Kinh thành Huế mà hạ tầng và không gian đô thị cũng không ngừng được chỉnh trang, mở rộng theo hướng xanh, sạch, hiện đại, góp phần xây dựng thành phố Huế xứng tầm đô thị di sản quốc gia.

Sự chuyển động mạnh mẽ là cảm nhận chung của nhiều người dân Huế đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian qua. Dọc hai bên bờ sông Hương, tuyến đường đi bộ đã được xây dựng nối dài, trở thành không gian công cộng, một điểm dừng chân mới của người dân và du khách để ngắm nhìn dòng sông Hương thơ mộng.

Bên cạnh đó, các dự án chỉnh trang vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh ở khu vực trung tâm cũng đang góp phần tôn lên vẻ đẹp riêng có của đô thị di sản Huế. Thành phố Huế cũng triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị thông qua hệ thống trung tâm điều hành, camera giám sát đô thị thông minh của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Tân, 50 tuổi, ở phường Phú Nhuận, thành phố Huế cho biết, người dân rất phấn khởi trước sự thay đổi tích cực của thành phố theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp. Ở khu vực bờ Nam của thành phố nhiều khu đô thị, công trình lớn đang dần hiện lên cho thấy một Huế đang vươn mình phát triển, tạo ra vẻ hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại của một thành phố di sản.

Người dân Cố đô luôn tự hào về những danh hiệu mà Huế đang sở hữu như “Thành phố Văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố du lịch sạch ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”…

Huế từng là Kinh đô của nước Việt trong nhiều thế kỷ, với hệ thống các công trình thành quách, đền đài đồ sộ. Tuy nhiên, trải qua những biến động của lịch sử, việc xâm lấn, xây dựng trái phép trên đất của những công trình di tích diễn ra với quy mô lớn đã trở thành vấn đề nan giải của địa phương trong một thời gian dài.

Năm 2019, với sự hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế với tổng mức đầu tư 4.097 tỉ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 2.735 tỉ đồng, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để xây dựng khu tái định cư là 1.362 tỉ đồng.

Xây dựng thành phố Huế xứng tầm đô thị di sản quốc gia - Ảnh 2
Tuyến đường đi bộ dọc sông Hương. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Hiện nay, Dự án di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế là một trong những dự án trọng điểm đang được thành phố Huế triển khai với những kết quả bước đầu quan trọng. Việc triển khai dự án góp phần lấy lại diện mạo của hệ thống Kinh thành Huế xưa, tạo tiền đề cho việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa thế giới. Từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố Huế đã cơ bản hoàn thành việc di dời, bố trí tái định cư đợt 1 của giai đoạn 1 với quy mô di dời 576 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành.

Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực thành phố Huế Hoàng Thiện cho biết, với những kết quả bước đầu quan trọng đạt được, đơn vị đang đẩy nhanh xây dựng hạ tầng tái định cư khu vực 3 và 4 với tổng diện tích 17,6 ha, gồm 790 lô đất, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2020 để bàn giao mặt bằng, tiếp tục di dời tái định cư cho các hộ dân sống trên di tích ở khu vực Eo Bầu. Ngoài ra, các khu vực tái định cư 5,6,7 với tổng diện tích hơn 28 ha, bao gồm 1.477 lô cũng sẽ dự kiến khởi công vào tháng 10/2020 để kịp tiến độ phân lô cho người dân theo như kế hoạch năm 2020.

Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2019 – 2021 di dời 2.938 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến Phòng Lộ. Giai đoạn 2, từ năm 2022- 2025 sẽ di dời 1.262 hộ dân thuộc khu vực hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, di tích Đàn Xã Tắc…

Thành phố Huế hiện là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế, với dân số hơn 350.000 người nhưng diện tích chỉ có hơn 70 km2 nên có mật độ dân số cao, với trên 5.000 người/km2 (quy chuẩn là 2.000 người/km2).

Trong giai đoạn 2020- 2025, thành phố Huế sẽ được mở rộng diện tích tự nhiên ra 266 km2, quy mô dân số hơn 652.000 người, gồm 29 phường và 7 xã. Việc mở rộng thành phố Huế sẽ giúp cho địa phương có thêm nhiều động lực phát triển trong tương lai, để trở thành đô thị hạt nhân, góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo như tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Đỗ Trưởng

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng thành phố Huế xứng tầm đô thị di sản quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới