Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai trên phạm vi cả nước
Cơ sở dữ liệu đất đai là "bộ nhớ" đóng vai trò quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Xây dựng hệ thống đồng bộ, hiệu quả
Hiện nay, Bộ TN&MT đang đôn đốc các địa phương sớm hoàn thiện, đưa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai vào hoạt động để kết nối quản lý và minh bạch thị trường bất động sản. Tại dự thảo Luật Đất đai, Bộ TN&MT đề xuất bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước.
Tại chương XI của dự thảo, ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề sau:
Bổ sung quy định tại khoản 1,2,3 Điều 134 về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; quy định cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại khoản 1,3 Điều 135 tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Đề xuất bổ sung quy định tại Điều 136 dự thảo Luật về quản lý, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương và quy định về việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Bổ sung quy định về cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, tổ chức, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về đất đai, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, liên thông tại Điều 137 dự thảo Luật.
Đề xuất bổ sung quy định tại Điều 138 về việc bảo đảm kinh phí để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai theo hướng được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn vay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo mục tiêu hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu vào năm 2025 của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Ngoài ra, để đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia trong thời gian tới, Bộ TN&MT đề ra một số giải pháp như: Giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật hệ thống; giải pháp quản lý và chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu đất đai... thực hiện theo Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (Dự án VILG) sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới đang triển khai.
Đối với Bộ TN&MT sẽ rà soát, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai. Bên cạnh đó sẽ tổng hợp dữ liệu địa chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và dữ liệu có liên quan đến đất đai do các Bộ, ngành cung cấp; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai của cả nước; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; cơ sở dữ liệu về khung giá đất, theo từng vùng; giá đất thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ triển khai chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử và với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; Đầu tư bổ sung, nâng cấp, duy trì vận hành hệ thống thông tin đất đai quốc gia...
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Tổng cục Quản lý đất đai đã tập trung chỉ đạo các địa phương tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử.
Rà soát, đánh giá, xác định thủ tục hành chính phù hợp triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và công bố danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai trực tuyến để người dân, doanh nghiệp vẫn giải quyết được thủ tục hành chính nhưng giảm thiểu việc đến nơi nộp hồ sơ.
Trong đó, đối với cơ sở dữ liệu đất đai Trung ương, Tổng cục đã xây dựng hoàn thành 4 khối dữ liệu và bàn giao cho Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường để chuẩn bị vận hành và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia gồm: Dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dữ liệu giá đất; dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển công nghệ, nghiên cứu bổ sung công nghệ mới như chuỗi, khối (Blockchain) trong giao dịch điện tử lĩnh vực đất đai; ứng dụng chuẩn giao tiếp mở giữa các cổng thông tin, thiết lập nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai theo công nghệ tiên tiến thế giới; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big data) trong thu thập, phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định trong quản lý. Đồng thời, nghiên cứu cung cấp dữ liệu mở cho cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển các ứng dụng phục vụ người dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt, liên quan chặt chẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy tiềm năng, nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030 và đến năm 2045 là yêu cầu đặt ra đối với toàn ngành trong giai đoạn phát triển mới. Vì vậy, ngành cần tập trung tổng kết đánh giá thực tiễn, đề xuất hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường hiện đại, đồng bộ, hội nhập, bảo đảm công khai, minh bạch và tổ chức thực thi hiệu quả.
Lan Anh