Thứ hai, 25/11/2024 19:58 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/09/2022 10:55 (GMT+7)

Sửa Luật Đất đai cần đảm bảo quyền lợi của người dân khi thu hồi đất

Theo dõi KTMT trên

Tại phiên họp cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra sáng 22/9, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quan tâm và đảm bảo quyền lợi của người dân trong các trường hợp thu hồi đất.

Đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể bị thu hồi đất

Việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai trong đó có quy định liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi khi thu hồi đất là vấn đề cần được tính đến.

Sáng 22/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên chuyên đề pháp luật cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ này nhằm thể chế hoá chủ các trương của Đảng về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" được nêu ra tại Nghị quyết 18.

Một trong những điểm đáng chú ý đặt ra khi sửa đổi Luật Đất đai lần này đó là đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể bị thu hồi đất. Bởi qua gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, đã bộc lộ nhiều điểm bất cập.

Ông Đỗ Thái M và một số hộ dân ở tổ 7, phường Thịnh Lang, TP.Hoà Bình nhiều năm nay đã gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng về việc thửa đất nông nghiệp của ông có diện tích hơn 300 m2 bị thu hồi để làm hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư và bán đấu giá đất ở của Thành phố. Dù nhất trí với chủ trương này, nhưng người dân không đồng tình với mức giá bồi thường,

Ông M nói: "Bây giờ cùng một thửa ruộng, cùng bị cưỡng chế như nhau thế mà một bên là 1 triệu/m2, bên có 325.000 đồng".

Giải đáp thắc mắc này, ngoài việc ban hành các văn bản, Ủy ban Nhân dân TP.Hoà Bình đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, giải thích cặn kẽ việc áp giá đền bù đã được thực hiện theo đúng qui định tại Điều 114 của Luật Đất đai hiện hành.

Tuy nhiên quá trình thực hiện đã nổi lên bất cập là đối với các nhóm dự án mà nhà đầu tư phải tự thoả thuận về công tác giải phóng mặt bằng thì thường thoả thuận với giá ở mức cao hơn so với đơn giá được áp dụng. Thực tế này gây khó cho quá trình thực thi.

Theo ông Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình cho biết: "Cơ bản thì thỏa thuận được rồi nhưng còn một số hộ là đưa ra những cái giá chuyển nhượng quá cao, không phù hợp. Hiện tại chưa có quy định nào để tháo gỡ việc này, cho nên là một số dự án không triển khai thực hiện được".

Không đưa vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) những vấn đề chưa rõ

Khi có khung giá đất việc định giá đất cụ thể tại các địa phương trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng có thể bị ảnh hưởng tạo ra những chênh lệch lớn, không phù hợp với giá thị trường đã phát sinh khiếu kiện kéo dài. Hoặc phát sinh tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong định giá đất không phù hợp với giá thị trường.

Chính vì thế, luật sẽ phải điều tiết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất mới tạo động lực cho sự phát triển. Ngoài ra, cơ chế khai thác nguồn lực đất đai sao cho minh bạch, hiệu quả cũng là bài toán không đơn giản.

Nhiều doanh nghiệp thời gian qua không có kinh nghiệm, năng lực tài chính nhưng đã lợi dụng kẽ hở của luật để "giữ đất", "ôm đất", "chạy dự án" để bán dự án kiếm lời. Nhiều dự án "treo" cũng sinh ra từ đây. Trong khi người dân bị thu hồi đất không có đất để sinh sống và sản xuất, phải di cư tự phát tới các đô thị làm thuê hoặc đi xuất khẩu lao động...

Các giao dịch bất động sản khi có giá trị thực tế và giá trị khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có một khoảng cách rất xa. Theo đó, giá trị thường thấp hơn giá thực tế giúp cho các bên tiết kiệm được lệ phí trước bạ, phí công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân. Đây là những loại thuế và phí khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử đất thì các bên có nghĩa vụ phải thực hiện.

Kết quả cuối cùng của dự án Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của các cơ quan; đánh giá giá năng lực thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; năng lực để kiến tạo phát triển, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trước đây mà không đẻ ra khó khăn vướng mắc mới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lần sửa luật này, trách nhiệm của các cơ quan liên quan là rất lớn. Các cơ quan soạn thảo, thẩm tra đề cao trách nhiệm trong quá trình sửa luật, bám sát các nghị quyết của Đảng; tuyệt đối không đưa vào những vấn đề chưa chín, chưa đủ cơ sở pháp lý vào luật, sửa đổi nhưng đảm bảo tính thực tiễn.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng cũng phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể.

Trong quá trình xây dựng Luật cũng cần tách bạch rõ quan hệ đất đai mang tính chất công (quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất…) với quan hệ đất đai mang tính chất tư (giao dịch, góp vốn, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế đất…).

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Sửa Luật Đất đai cần đảm bảo quyền lợi của người dân khi thu hồi đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới