Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu nền đất đai: Cần sự quyết liệt từ địa phương
Để hoàn thành mục tiêu về triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng các địa phương cần ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu.
Mặc dù Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về đất đai như xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai, để góp phần cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch trong quản lý đất đai - nguồn lực được xem là “trụ đỡ” cho sự phát triển.
Thế nhưng, trên thực tế, nhiều địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc để có được bộ cơ sở dữ liệu nền cho ngành quản lý đất đai trên cả nước.
Hạ tầng thông tin còn thiếu và yếu
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua đã có nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sơ dữ liệu đất đai ở nước ta, nhờ đó bước đầu hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đã được hình thành.
Dù vậy, hạ tầng thông tin, cơ sơ dữ liệu đất đai - yếu tố cốt lõi hỗ trợ công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ cho việc phối, kết hợp với các bên có liên quan khác vẫn còn “vừa thiếu vừa yếu” và chưa đồng bộ, thống nhất.
Một trong những nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước chưa có các công cụ cần thiết để thực thi chính sách pháp luật đất đai ở địa phương, đặc biệt, các công cụ để quản lý đất đai dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.
Dữ liệu đầu tư mới tập chung vào cơ sở dữ liệu địa chính, các cơ sở dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất,… là các thành phần cấu thành cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh chưa được đầu tư. Việc đảm bảo dữ liệu được cập nhật, chia sẻ cho các đối tượng khác nhau cùng khai thác, sử dụng còn nhiều hạn chế và chưa quan tâm, chú trọng đã phần nào giảm tính hiệu quả các nguồn lực đã đầu tư.
Trong khi đó, hồ sơ đất đai chủ yếu được quản lý, sử dụng ở dạng hồ sơ giấy, khả năng tra cứu, xử lý mất nhiều thời gian, hạn chế về độ chính xác, tính đầy đủ…
Số liệu ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra cho thấy tính đến tháng 12/2020, trên cả nước đã có 100% các đơn vị cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, mới có 192/707 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 49 tỉnh/thành phố đang vận hành, quản lý khai thác, sử dụng đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn với hơn 22 triệu thửa đất và hơn 11 triệu hồ sơ.
Đến nay cũng mới chỉ có 6 tỉnh, thành phố cơ bản đã hoàn thành xây dựng việc cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào vận hành, khai thác theo mô hình tập trung cấp tỉnh gồm: Vĩnh Long, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Định, Bến Tre.
Nghiên cứu cung cấp dữ liệu mở
Để hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao về triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy nhanh triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia trên cơ sở tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh và cơ sở dữ liệu đất đai cấp Trung ương, đảm bảo đưa hệ thống vào vận hành trước 7/2021; kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các bộ, ngành.
Cùng với đó, ngành sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển công nghệ, nghiên cứu bổ sung công nghệ mới như chuỗi, khối (Blockchain) trong giao dịch điện tử lĩnh vực đất đai; ứng dụng chuẩn giao tiếp mở giữa các cổng thông tin, thiết lập nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai theo công nghệ tiên tiến thế giới; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big data) trong thu thập, phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định trong quản lý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ nghiên cứu cung cấp dữ liệu mở cho cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển các ứng dụng phục vụ người dân.
Về hành lang pháp lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai để làm cơ sở thống nhất triển khai giữa các bộ, ngành và các địa phương trên toàn quốc; xây dựng cơ chế thu phí cung cấp thông tin đất đai cho người dân và doanh nghiệp một cách bền vững, hiệu quả.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ xây dựng mới cơ sở dữ liệu đất đai theo quy trình lồng ghép đối với những nơi thực hiện đo đạc, chỉnh lý biến động bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng cơ sở dữ liệu về khung giá đất, theo từng vùng; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ triển khai chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử và với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác...
Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thông qua việc rà soát, xây dựng, bổ sung hoàn thiện các quy chế vận hành, khai thác, cập nhập, chia sẻ thông tin dữ liệu đất đai; đầu tư bổ sung, duy trì kết nối, vận hành hệ thống thông tin đất đai trong nội bộ tỉnh để quản lý, vận hành, khai thác, cập nhập cơ sở dữ liệu đất đai và kết nối, chia sẻ với các sở, ngành phục vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh...
Hùng Võ