Thứ bảy, 20/04/2024 17:23 (GMT+7)
Thứ năm, 30/04/2020 06:30 (GMT+7)

Xả thải gây ô nhiễm nguồn nước: Doanh nghiệp có 'nhờn' Luật?

Theo dõi KTMT trên

Có một thực tế đáng buồn là nhiều doanh nghiệp chạy đua làm nhiều dự án lớn, quy mô nghìn tỉ, nhưng lại đầu tư chi phí rất khiêm tốn cho hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử phạt doanh nghiệp xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước nhưng dường như chưa đủ sức răn đe, có hiện tượng vi phạm bất chấp quy định pháp luật.

Xả thải gây ô nhiễm nguồn nước: Doanh nghiệp có 'nhờn' Luật? - Ảnh 1
Nước thải từ các nhà máy chưa qua xử lý đổ thẳng ra các sông, biển gây ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bắc Giang đã phát hiện và phạt vi phạm xả thải đối với Công ty cổ phần Giấy Mạnh Đạt đặt nhà máy Cụm công nghiệp Già Khê (huyện Lục Nam) chuyên sản xuất bột giấy, giấy và bìa cát tông, gỗ dăm. Công ty này đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải với nhiều thông số độc hại trong nước, bị xử phạt là 80 triệu đồng và phạt tình tiết nặng tăng thêm 10%. Tỉnh yêu cầu công ty này phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm, khẩn trương khắc phục ô nhiễm, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn.

Tỉnh Hưng Yên đã xử phạt Công ty cổ phần Đức Hiếu đóng tại xã Ngọc Lâm (thị xã Mỹ Hào) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Sơn ở xã Ngọc Long (huyện Yên Mỹ) về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật. Hai công ty này bị đưa vào danh sách 29 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, trong đó 18 cơ sở chưa có công trình xử lý chất thải, 11 cơ sở đã xây dựng công trình xử lý chất thải nhưng cần phải nâng cấp cải tạo.

Là một trong những địa phương thu hút đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn, Hưng Yên hiện cũng là “điểm nóng” về vi phạm xả nước thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đáng chú ý, KCN lớn nhất tỉnh Hưng Yên là Phố Nối A do Tập đoàn Hoà Phát đầu tư có quy mô hơn 600ha, liên tục xảy ra vi phạm và khó xử lý vấn đề xả thải từ KCN đã gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nặng đến môi trường, đời sống người dân. Lượng nước thải từ các nhà máy của KCN Phố Nối A đổ ra các tuyến kênh, sông dọc KCN này rất lớn, khiến cho nước bốc mùi hôi thối, cá chết… Người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp.

Năm 2008, chủ đầu tư KCN Phố Nối A đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải sử dụng công nghệ xử lý sinh học, công suất 6.000 m3/ngày đêm, đảm bảo thu gom nước thải của các nhà máy, xử lý tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường theo quy định của pháp luật.

Thực tế, năm 2019, một thành viên của Tập đoàn Hoà Phát là Công ty TNHH Điện lạnh Hoà Phát (trụ sở tại KCN Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên) đã bị UBND tỉnh Hưng Yên xử phạt vi phạm xả thải vượt mức quy định ra môi trường. Công ty này đã xả nước thải có một thông số môi trường vượt 66% tiêu chuẩn quy định tiếp nhận nước thải của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp – Vi phạm tại Điểm b, Khoản 6, Điều 12, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Dù vi phạm xả thải nghiêm trọng nhưng công ty này cũng chỉ chịu mức phạt 70 triệu đồng và áp dụng tình tiết tăng nặng với mức phạt tăng thêm 50% do xả nước thải vượt từ 60-70%, nên tổng mức phạt là 105 triệu đồng.

Xả thải gây ô nhiễm nguồn nước: Doanh nghiệp có 'nhờn' Luật? - Ảnh 2
Trạm xử lý nước thải của KCN Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên

Những con số xử phạt vi phạm xả thải vượt mức này quá nhỏ so với những thiệt hại rất lớn cho môi trường, chưa được thống kê đầy đủ, liệu có khiến cho doanh nghiệp “nhờn” luật, tái vi phạm không?

Bởi thực tế trong nhiều năm qua, nhiều công ty của Tập đoàn Hoà Phát đã đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất thép, khu công nghiệp lớn, chăn nuôi tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Bình… đều bị người dân phản ánh về tình trạng xả thải, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước.

Đơn cử, tháng 11/2019, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2856/QĐ-XPHC xử phạt Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) là 442,5 triệu đồng do công ty chứa phân gà tại các hồ chứa trong khuân viên, không đúng theo quy trình được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Công ty này còn có hành vi xả chất thải rắn công nghiệp thông thường (phân gà) trái quy định về bảo vệ môi trường từ 60.000kg đến dưới 80.000kg (Công ty đã thải ra khối lượng 68.670kg).

Trước đó, năm 2018, Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang (ở xã Long Sơn, Huyện Sơn Động, Bắc Giang) thuộc Công ty cổ phần Phát triển chăn nuôi Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) đã bị UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt vi phạm môi trường là 312 triệu đồng. Công ty này đã xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100m3/ngày (24h) đến dưới 200m3/ngày (24h); xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải đối với thông số COD vượt 2,44 lần.

Đến ngày 25/4/2019, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục ra quyết định xử phạt công ty này là 540 triệu đồng, do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và tình tiết tăng nặng là tái phạm hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với doanh nghiệp này, buộc chấm dứt ngay hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, hàng năm Tập đoàn Hoà Phát báo lãi hàng nghìn tỉ đồng, riêng năm 2019 đạt hơn 7.578 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối đến cuối năm 2019 lên tới 15.858 tỉ đồng.

Thu lợi nhuận hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm từ các nhiều mảng kinh doanh của nhà máy thép, điện lạnh, chăn nuôi, bất động sản… nhưng Hoà Phát đã đầu tư cho việc xử lý nước thải, khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường lại không được công bố. Nhiều công ty của Hoà Phát đã đi ngược lại cam kết, bất chấp quy định pháp luật để xả thải “bức tử” môi trường.

Trong khi đó, những vụ vi phạm xả thải môi trường nghiêm trọng tại nhiều công ty thành viên của Tập đoàn Hoà Phát, cùng các doanh nghiệp lớn nhỏ khác chỉ nhận mức phạt rất nhỏ từ vài chục triệu, tới vài trăm triệu đồng, sẽ không đủ sức răn đe, ngăn chặn vi phạm. Do đó không ít doanh nghiệp bấp chấp quy định pháp luật để đánh đổi lấy lợi ích kinh tế, bỏ quên các mục tiêu bảo vệ môi trường, nguồn nước, lợi ích quốc gia.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, nghiêm cấm các hành vi có thể gây nguy hại gồm cả chất thải rắn, lỏng, khí gây ảnh hưởng tới môi trường. Cụ thể:

- Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.

- Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.

- Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Việc xả thải trái phép và gây hậu quả nguy hại tới môi trường, tùy vào mức độ, tính chất sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính, Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, việc xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị áp dụng 2 hình thức là phạt cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền cao nhất là 1 tỉ đồng với cá nhân và 2 tỉ đồng với tổ chức, tước quyền sử dụng có thời hạn với “Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả thải khí thải công nghiệp…”.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, Khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự 2005 quy định rõ cá nhân, tổ chức có thể bị xử lý hình sự theo tội “Gây ô nhiễm môi trường” với mức phạt từ 100 triệu đồng đến 10 tỉ đồng nếu có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, tùy vào mức độ, tính chất của hành vi mà bị phạt tiền, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Khi việc xả rác thải gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra, thương nhân sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết Xả thải gây ô nhiễm nguồn nước: Doanh nghiệp có 'nhờn' Luật?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới