Thứ năm, 28/03/2024 19:17 (GMT+7)
Thứ năm, 17/09/2020 17:11 (GMT+7)

WMO: Sắp hết tên để đặt cho các cơn bão năm 2020

Theo dõi KTMT trên

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), thuộc Liên Hợp Quốc, ngày 15/9 cho biết số lượng bão Đại Tây Dương và bão nhiệt đới năm nay nhiều bất thường, khiến thế giới không còn tên để gọi những cơn bão tiếp theo.

Trước đó, chuyên gia dự báo bão theo mùa Gerry Bell, thuộc Trung tâm dự báo thời tiết của Cơ quan Khí quyển và Hải dương quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết, do các điều kiện về khí quyển và đại dương, năm nay dự báo sẽ xảy ra nhiều cơn bão hơn, cường độ mạnh hơn và thời gian xảy ra bão dài hơn so với mức trung bình.

Theo dự báo, mùa bão năm nay sẽ chứng kiến từ 19-25 cơn bão được đặt tên, trong đó từ 7-11 cơn bão có cường độ mạnh. Trong số các cơn bão có cường độ mạnh dự kiến có từ 3-6 cơn bão có cường độ rất mạnh với sức gió lên đến 180km/h hoặc mạnh hơn nữa. Theo NOAA, đây là một trong những mùa bão hoạt động mạnh nhất trong 22 năm cơ quan này tiến hành dự báo bão.

Thông báo trên là bản cập nhật dự báo mà NOAA đưa ra hồi tháng 5, khi đó cho rằng trong mùa bão năm nay sẽ xảy ra từ 13-19 cơn bão được đặt tên, trong đó có đến 10 cơn bão có cường độ mạnh.

Dự báo này bao gồm 9 cơn bão, 2 trong số đó là bão có cường độ mạnh, đã xảy ra đến nay. Người dân tại miền Nam nước Mỹ và khu vực Caribbe đã phải trải qua thời tiết khắc nghiệt trong nhiều tuần gần đây. Thông thường, vào thời điểm này trong năm chỉ có 2 cơn bão được đặt tên và cơn bão thứ 9 sẽ chỉ xảy ra vào đầu tháng 10. Trung bình, mỗi mùa bão chỉ có 12 cơn bão được đặt tên.

WMO: Sắp hết tên để đặt cho các cơn bão năm 2020 - Ảnh 1
Theo WMO chỉ còn duy nhất tên "Wilfred" là chưa được sử dụng trong năm nay. (Ảnh minh họa: Internet)

Clare Nullis, phát ngôn viên của WMO, nói: “Mùa bão Đại Tây Dương năm 2020 đang hoạt động mạnh đến mức dự kiến ​​làm cạn danh sách tên bão thông thường. Nếu điều này xảy ra, bảng chữ cái Hy Lạp sẽ được sử dụng để đặt tên, và đây là lần thứ hai (trong lịch sử)”.

Trong các mùa bão hàng năm, thường kéo dài từ đầu tháng 6 đến hết tháng 11, các cơn bão được đặt xen kẽ tên nam và nữ. Năm nay, hai cơn bão đầu tiên bắt đầu bằng Arthur và Bertha.

Việc đặt tên cho các cơn bão nhằm giúp mọi người dễ nhận diện chúng hơn khi đọc tin tức cảnh báo.

Mỗi tên bão đều được WMO giám sát và chúng chỉ được đặt lại sau mỗi sáu năm. Tuy nhiên, đối với những cơn bão đặc biệt nguy hiểm, tên của chúng sẽ được “nghỉ hưu” và thay thế bằng tên khác.

Danh sách tên sử dụng chữ cái đầu là 21 trong số 26 chữ cái của bảng chữ cái tiếng Anh, do rất khó tìm thấy các tên dễ nhận biết bắt đầu bắt chữ Q, U, X, Y và Z trong các tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Hà Lan. Đây là những ngôn ngữ phổ biến nhất được sử dụng ở khu vực Đại Tây Dương và vùng Caribbean (thường bị ảnh hưởng bởi bão Đại Tây Dương).

Năm nay, chỉ còn Wilfred là chưa được sử dụng cho tới thời điểm hiện tại. Điều này đồng nghĩa WMO sắp phải sử dụng bảng chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho những cơn bão còn lại trong năm nay.

Trước kia, bão được đặt tên theo đường kinh - vĩ tuyến mà chúng đi quá. Cách đặt tên này đối với các nhà khí tượng thì không có vấn đề gì, nhưng đối với người dân thì lại rất khó nhớ.

Năm 1950, Cơ quan Khí tượng Hoa Kỳ đã phát triển một hệ thống đặt tên bão theo bảng chữ cái (như Able, Baker, Charlie…). Hệ thống này được sử dụng lặp đi lặp lại mỗi năm. Cơn bão đầu tiên trong năm luôn có tên là “Able”, cơn bão thứ hai trong năm luôn có tên là “Baker”, cứ như vậy.

Đến năm 1953, nhận thấy phương pháp đặt tên kiểu này có nhiều bất cập vì đã có nhiều cơn bão mang tên giống nhau, hệ thống này được thay đổi và các cơn bão sẽ được đặt theo tên phụ nữ. Cách làm này bắt chước các nhà khí tượng hàng hải, có thói quen đặt tên các con tàu theo tên phụ nữ.

Năm 1979, hệ thống này lại thay đổi lần nữa, các cơn bão được theo tên của cả phụ nữ và đàn ông.

Mỗi đại dương lớn trên thế giới sẽ có các danh sách tên bão cho riêng mình. Hiện nay, Đại Tây Dương có 6 danh sách tên bão và sẽ được quay vòng.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết WMO: Sắp hết tên để đặt cho các cơn bão năm 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.