Thứ sáu, 29/03/2024 17:05 (GMT+7)
Thứ năm, 23/04/2020 14:31 (GMT+7)

WHO: Thế giới sẽ chung sống với virus SARS-CoV-2 trong thời gian dài

Theo dõi KTMT trên

Ngày 22/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, dù lệnh yêu cầu người dân ở nhà và các biện pháp giãn cách xã hội khác đã và đang thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan nhưng virus SARS-CoV-2 vẫn vô cùng nguy hiểm.

WHO: Thế giới sẽ chung sống với virus SARS-CoV-2 trong thời gian dài - Ảnh 1
Mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Reuters)

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tổ chức này nhận thấy các xu hướng khác nhau của dịch Covid-19 không chỉ ở các khu vực khác nhau mà còn ở trong cùng khu vực. Phần lớn dịch bệnh tại khu vực Tây Âu dường như đã ổn định và hạ nhiệt. Song, WHO lo ngại về xu hướng số ca bệnh gia tăng tại châu Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ và Đông Âu dù số người bệnh tại các khu vực này đang ở mức thấp. WHO lưu ý, phần lớn các quốc gia vẫn đang trong giai đoạn đầu của dịch bệnh và một số nước sớm chịu ảnh hưởng của đại dịch này đang bắt đầu chứng kiến sự tái bùng phát trong số ca bệnh.

“Chúng ta còn chặng đường dài để đi. Chủng virus này sẽ đeo bám chúng ta trong thời gian dài”, ông Tedros cảnh báo. Dù lệnh yêu cầu người dân ở nhà và các biện pháp giãn cách xã hội khác đã và đang thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhưng virus SARS-CoV-2 vẫn vô cùng nguy hiểm. Bằng chứng ban đầu cho thấy, phần lớn người dân trên thế giới đều có thể nhiễm virus SARS-CoV-2, do đó dịch bệnh có thể dễ dàng tái bùng phát.

WHO cho rằng cần phải có tiêu chuẩn mới về một thế giới khỏe mạnh, an toàn hơn và được chuẩn bị tốt hơn. Ông Tedros nhấn mạnh, các biện pháp y tế cộng đồng mà tổ chức này đưa ra kể từ khi dịch bệnh bùng phát phải là trụ cột trong nỗ lực ứng phó Covid-19 tại tất cả các quốc gia. Đó là tìm kiếm, cách ly, làm xét nghiệm, chăm sóc các ca bệnh; truy tìm những người đã tiếp xúc với người bệnh; cộng đồng được giáo dục, tham gia và trao quyền để thích nghi với chuẩn mực mới. Theo WHO, cuộc chiến chống Covid-19 không thể hiệu quả nếu không có sự tham gia đầy đủ của người dân. WHO nêu rõ, tổ chức này khuyến cáo tìm kiếm và làm xét nghiệm mọi ca nghi nhiễm chứ không phải tất cả người dân trong cộng đồng. Những quốc gia không thực hiện sáu điều quan trọng nêu trên hoặc không thực hiện chúng một cách nhất quán sẽ phải đối mặt với nhiều ca bệnh và ca tử vong hơn nữa.

Trong các quốc gia đã gửi dữ liệu tới WHO, 78% đã có kế hoạch chuẩn bị và ứng phó, 76% có hệ thống giám sát để tìm ra ca bệnh, 91% có năng lực làm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để phát hiện Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong cuộc chiến chống dịch bệnh của thế giới và không có quốc gia nào có sẵn mọi nguồn lực để ứng phó dịch bệnh. Chỉ có 48% các nước trên thế giới có chương trình ngăn chặn và kiểm soát sự lây nhiễm cũng như tiêu chuẩn về nước và điều kiện vệ sinh tại các cơ sở y tế. WHO cam kết tiếp tục phối hợp các quốc gia và cộng đồng quốc tế để chấm dứt những lỗ hổng này và xây dựng năng lực bền vững cho cả hiện tại và tương lai.

Cũng tại cuộc họp báo trực tuyến này, ông Tedros bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ xem xét lại việc ngừng tài trợ cho WHO và Washington sẽ một lần nữa ủng hộ công việc của WHO vì đây là một khoản đầu tư quan trọng không chỉ giúp cho các nước khác mà còn cho chính nước Mỹ được an toàn.

H.H

Bạn đang đọc bài viết WHO: Thế giới sẽ chung sống với virus SARS-CoV-2 trong thời gian dài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.