WHO nhấn mạnh vai trò của đoàn kết chống Covid-19
Thay vì tới trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Thụy Sĩ để họp bàn và đưa ra quyết định về các vấn đề y tế toàn cầu, năm nay các thành viên của Đại Hội đồng y tế thế giới (WHA) tham gia hội nghị thường niên trực tuyến đầu tiên diễn ra trong hai ngày 18 và 19/5. Theo kế hoạch, các cuộc thảo luận tại của WHA phần lớn tập trung vào Covid-19.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trước đây thế giới đã đối mặt với một số đại dịch, nhưng đại dịch đang bùng phát là đại dịch đầu tiên do một chủng virus corona gây ra. “Đây là kẻ thù nguy hiểm với sự kết hợp của các đặc điểm nguy hiểm: lây lan nhanh chóng và gây chết người. Nó có thể hoạt động trong bóng tối, âm thầm lây lan nếu chúng ta không chú ý, sau đó nó bất ngờ bùng phát nếu chúng ta không sẵn sàng ứng phó”. Do đó, ông Tedros kêu gọi thế giới phải ứng phó virus SARS-CoV-2 bằng sự chú ý và quan tâm tương xứng với mức độ nguy hiểm của chủng virus này.
Tổng Giám đốc WHO đánh giá, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, các quốc gia đã hợp tác mạnh mẽ hơn bao giờ hết. “Đại dịch này nhắc nhở chúng ta về mối quan hệ thân mật và lịch thiệp giữa con người và hành tinh”, ông Tedros nói. Ông khẳng định, WHO đã đứng vai kề vai cùng các quốc gia trong những giờ phút đen tối nhất, đồng thời kiên định kêu gọi đoàn kết ở cấp độ quốc gia và toàn cầu vì đây là hai yếu tố then chốt trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19.
Theo ông Tedros, tất cả chúng ta đều có được bài học từ đại dịch Covid-19, theo đó mọi quốc gia và tổ chức phải đánh giá nỗ lực ứng phó dịch bệnh và rút ra bài học từ trải nghiệm của mình.
Từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ qua nhanh hơn nếu thế giới hợp tác đẩy lùi dịch bệnh. Ngoài ra, theo bà Merkel, các nước cần xem xét cách thức cải thiện phương pháp hoạt động của WHO, trong đó có việc bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho tổ chức “toàn cầu và hợp pháp” này. Thủ tướng Đức nhấn mạnh, không quốc gia nào có thể một mình đương đầu với Covid-19. “Tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua đại dịch. Chúng ta càng hợp tác trên bình diện quốc tế, chúng ta càng nhanh chóng chiến thắng đại dịch”, bà Merkel nói.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định WHO là cơ quan không thể thay thế được và kêu gọi WHO cần có các nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ các nước đang phát triển.
Tại hội nghị, Tổng thống Simonetta Sommaruga cam kết Thụy Sĩ sẽ hoàn toàn ủng hộ và hợp tác với nhà lãnh đạo của WHO trong nỗ lực ứng phó đại dịch Covid-19. Bà cũng hối thúc 194 nước thành viên WHO cùng hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra.
Có cùng quan điểm với Tổng Giám đốc WHO, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh sự cần thiết phải lan truyền tinh thần đoàn kết và hợp tác trên khắp thế giới trong bối cảnh các quốc gia vẫn chật vật đẩy lùi đại dịch. Ông cho rằng, cách giải quyết này là “vũ khí mạnh mẽ nhất” chống lại virus SARS-CoV-2. “Chia sẻ thông tin và hợp tác với quốc gia khác bộc lộ sức mạnh mà không chủng virus nào có được, đó là sức mạnh mà chỉ con người mới sở hữu”.
Tổng thống Moon cũng chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc làm chậm đà lây nhiễm virus một cách hiệu quả mà không cần công bố lệnh phong tỏa ở bất kỳ khu vực nào dù Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ghi nhận ca mắc Covid-19. Ông nêu rõ ba nguyên tắc chính trong những nỗ lực kiểm dịch của chính phủ là công khai, minh bạch và dân chủ. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc thừa nhận, nước này còn cách xa chiến thắng hoàn toàn trước Covid-19 trong bối cảnh các cụm lây nhiễm vẫn xuất hiện lẻ tẻ. Hơn nữa, đại dịch toàn cầu hiện nay vẫn đặt ra nhiều mối đe dọa nghiêm trọng. Ông Moon cảnh báo, nếu thế giới không tìm ra phương pháp điều trị khả thi hoặc vaccine thì làn sóng lây nhiễm mới có thể bùng phát một lần nữa.
Theo website của WHO, vào tháng 5 hằng năm, đại diện của 194 quốc gia thành viên của tổ chức này sẽ tới Geneva để họp bàn và đưa ra quyết định về các vấn đề y tế toàn cầu. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, hội nghị năm 2020 sẽ được tổ chức trực tuyến trong hai ngày 18 và 19-5. Covid-19 sẽ là vấn đề chính được thảo luận trong hội nghị lần thứ 73 của WHA. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới ghi nhận gần 4,9 triệu người bệnh Covid-19, trong đó hơn 320.100 người đã tử vong.
Hoàng Hà