Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm: Hai doanh nghiệp còn lại vẫn chưa nộp tiền
Nói về vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, 4 lô đất đã được đấu giá tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM vào ngày 10/12/2021, hiện có 2 doanh nghiệp chính thức bỏ cọc và 2 doanh nghiệp còn lại vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất.
Với 2 doanh nghiệp là Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty TNHH Bình Minh đã xin bỏ cọc thì đến nay hai doanh nghiệp là CTCP Dream Republic và CTCP Sheen Mega vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất. Hai doanh nghiệp này lần lượt trúng thầu lô đất số 3-5 và lô đất số 3-8, phải đóng tiền sử dụng đất lần lượt là 3.820 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng.
Về ngành thuế TP.HCM đã phát hành thông báo từ đầu tháng 2/2022 nhưng 2 doanh nghiệp trên vẫn chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính.
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết: "Theo quy định, nếu quá thời hạn nộp tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp chưa thực hiện đóng tiền thì cơ quan thuế sẽ tính tiền chậm nộp. Nếu quá thời hạn 90 ngày, cơ quan thuế sẽ thực hiện cưỡng chế".
Với việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, trong 30 ngày kể từ khi cơ quan thuế phát hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, doanh nghiệp trúng thầu phải thực hiện đóng 50% tiền trúng thầu.
Tuy vậy, cũng theo đại diện Cục thuế, về mặt Luật Quản lý thuế, cơ quan đang dừng ở bước đôn đốc bằng văn bản. Sau 30 ngày, sẽ đưa vào cảnh báo và áp dụng các giải pháp cưỡng chế, trong đó cưỡng chế về tài khoản, hóa đơn, thu hồi giấy phép kinh doanh là những bước tiếp theo. Hiện nay, mới quá hạn khoảng 20 ngày nên chưa tới hạn để áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
4 doanh nghiệp khả năng cao đều bỏ cọc đất Thủ Thiêm
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, khả năng rất cao 4 doanh nghiệp đều sẽ bỏ cọc. Việc có thêm doanh nghiệp bỏ cọc lô đất ở Thủ Thiêm cũng là điều tất yếu. Sở dĩ có việc bỏ cọc như vậy là do Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ trong thời gian qua đã có những hành động kiểm tra, rà soát nguồn tín dụng tham gia đấu thầu.
TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng các doanh nghiệp bỏ cọc không gây ảnh hưởng quá lớn đến thị trường chung, vì sau này các cuộc đấu giá sẽ trở nên thận trọng hơn. Vụ việc sẽ tạo ra một cách nhìn nhận tương đối kỷ luật hơn trong đấu giá bất động sản, khi tất cả các cuộc đấu giá được rà soát kỹ lưỡng, tránh tình trạng lũng đoạn, “quân xanh quân đỏ”. Theo đó đấu giá sẽ trở nên minh bạch, nghiêm túc hơn.
Đồng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc trúng đấu giá xong bỏ hay xin không tiếp tục thực hiện dự án và mất cọc là chuyện bình thường. Điều đó đã được thiết kế trong quy định về đấu giá. Hay nói cách khác, khi tổ chức đấu giá và có người trúng đấu giá đã lường trước đến chuyện bỏ cọc, vì vậy mới có quy định đặt cọc.
TS Vũ Đình Ánh nói thêm: “Không phải cứ trúng đấu giá và việc các doanh nghiệp cùng nhau bỏ cọc thì coi vụ đấu giá đất đó như là trò đùa giống như suy nghĩ của một số người. Theo tôi, đó là tư duy hoàn toàn không đúng”.
Đồng thời vị chuyên gia cũng đưa ra dự đoán, trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm này, ngoài 2 doanh nghiệp là Tân Hoàng Minh và Bình Minh, tôi cho rằng, nhiều khả năng 2 doanh nghiệp còn lại cũng sẽ bỏ cọc.
“Giả sử cả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá lần này đều bỏ cuộc thì đất vẫn còn đó chờ cuộc đấu giá lần sau, ngân sách Nhà nước vẫn được bổ sung thêm hơn 1.000 tỷ đồng từ tiền đặt cọc. Như vậy, dù trong trường hợp này thì Nhà nước không mất tiền, ngược lại còn được tiền, thậm chí rất nhiều tiền” – ông Ánh nói.
Mặt khác, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội lại cho rằng việc doanh nghiệp bỏ cọc có ảnh hưởng lớn đến thị trường vì trong trường hợp doanh nghiệp cố tình thổi giá, nâng giá lên làm tham chiếu cho giá bất động sản xung quanh. Do đó, dù bỏ cọc rồi việc này vẫn tác động đến thị trường, không phải chỉ mặt bằng giá ở Thủ Thiêm mà có thể là mặt bằng giá trên toàn quốc nói chung.
Ông Nguyễn Thế Điệp nhấn mạnh: Sự kiện lần này là một bài học và cảnh báo cho thị trường không thể trông vào một hai vụ đấu giá để đánh giá cả thị trường lên hay xuống, vì giá cả tùy thuộc vào địa điểm, vị trí. Cũng là Thủ Thiêm nhưng có những địa điểm giá thấp, có địa điểm giá cao. Giá trị đất đai là như vậy, nó phụ thuộc vào địa điểm, địa điểm và địa điểm, vị trí, vị trí và vị trí.
Bùi Hằng (T/h)