Thứ sáu, 22/11/2024 21:01 (GMT+7)
Thứ hai, 06/01/2020 06:30 (GMT+7)

Vớt rong biển, người dân làng chài Nam Ô thu nhập tiền triệu mỗi ngày

Theo dõi KTMT trên

Những tháng cận Tết Nguyên đán, các hộ dân làng chài Nam Ô, thành phố Đà Nẵng lại bận rộn kiếm thêm thu nhập từ nghề vớt, cào rong biển.

Nghề mưu sinh vào cuối năm đem lại thu nhập khá cao, có khi lên đến hàng chục triệu đồng cho người dân. Thứ “lộc trời” ban này đem về cái Tết đủ đầy cho người dân nơi đây.

4h sáng, khi trời vẫn còn tờ mờ phía chân trời, đã nghe tiếng í ới gọi nhau tại ghềnh đá Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Tiếng cào rong biển "ken két" hòa với tiếng sóng biển rì rào vỗ bờ tạo ra khung cảnh làm việc rất đỗi yên bình. Một ngày mới lại bắt đầu với người dân ở ngôi làng cổ nơi hạ lưu con sông Cu Đê.

Vớt rong biển, người dân làng chài Nam Ô thu nhập tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 1
Mỗi buổi người dân có thể cào, vớt được trung bình 2kg rong biển tươi, thu nhập khoảng 500.000 đồng.

Rong biển được người dân làng chài Nam Ô quen gọi là mứt biển. Năm nay, do mùa mưa đến muộn nên người dân chỉ đi hái rong 2 tháng cuối năm. Họ phải dậy từ rất sớm, mỗi buổi, người ít nhất cũng có thể hái được từ 1 - 2kg, người hái nhanh có thể hái được 4 - 5kg.

Để có những lá rong biển ngon nhất, người dân ở đây bắt đầu hái rong biển ngay từ lúc vừa mọc để giữ nguyên vị chứ không để rong phát triển lâu, lá già dai sẽ mất ngon. Rong biển mọc ở xa sạch và nhiều hơn rong mọc gần bờ.

Bà Dương Thị Hoa, 65 tuổi, người làng Nam Ô cho biết: “Tôi làm nghề này lâu rồi. Trong làng ai cũng bắt đầu từ tháng 10, tháng 11 mới đi không phải tháng nào cũng có. Tháng 9, tháng 10 biển động rong mới có nên mới bắt đầu đi làm được”.

Dụng cụ để hái rong biển là chiếc túi lưới, miếng kim loại cán mỏng, hình tròn, nhỏ vừa bằng lòng bàn tay để cạo rong biển ra khỏi đá.

Vớt rong biển, người dân làng chài Nam Ô thu nhập tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 2
Rong biển mọc trên những mỏm đá trơn, trượt.

Bà Đinh Thị Nương, 63 tuổi, là một trong những người làm nghề cào rong biển lâu năm tại Nam Ô chia sẻ, nghề này nghe có vẻ đơn giản, không vất vả nhưng lại vô cùng nguy hiểm, vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể gây hại đến tính mạng. Rong biển mọc trên những vách tảng đá trơn, trượt.

Muốn lấy được người dân phải bám chặt vào mảng đá, một tay cào rong, mắt phải canh chừng con sóng. Nếu lỡ may trượt chân, sóng đánh vào dễ bị cuốn ra biển. Bà Nương chia sẻ, dẫu nghề này nguy hiểm nhưng cả đời gắn bó cũng thành thói quen và bù lại cho thu nhập cao.

Theo bà Nương: “Đi từ 5 - 7h sáng là có thu nhập 400.000 - 500.000 đồng rồi. Những người già từ 50, 60 tuổi sáng ra làm chút thời gian là về có vài trăm nghìn đồng”.

Theo bà con làng Nam ô, rong biển sau khi hái về được rửa qua ở nước biển và thêm hai lần nước ngọt, sau đó để ráo. Khoảng 10 cân rong biển tươi thì sẽ được 1kg rong biển khô. Mỗi cân rong biển tươi bán với giá từ 200.000 - 300.000 đồng, rong biển khô có giá từ 2,5 - 3 triệu đồng/kg.

Vớt rong biển, người dân làng chài Nam Ô thu nhập tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 3
Rong biển khô có giá từ 2,5 - 3 triệu đồng/kg.

Bà Đặng Thị Kế, 59 tuổi, cho biết, những tháng trước Tết chính là lúc rong mới mọc, rất ít và hiếm nên cực kì đắt đỏ. Theo bà Kế, rong biển ở Nam Ô nổi tiếng thơm, ngon nên bán chạy. Ngoài ra, người dân làng Nam ô còn đủ thứ nghề ở ghềnh đá này.

“Tôi đi hái rong biển khoảng từ 3 - 8h sáng về được 2 triệu, 1 triệu cũng có, năm bảy trăm cũng có. Nhà tôi thì chồng đi làm biển đánh cá còn hai mẹ con tôi sống chủ yếu nhờ ghềnh đá Nam ô. Ra Giêng, tháng 2 thì chúng tôi sẽ bắt bào ngư, còn từ tháng 9 tháng 10 là đi hái rong biển".

Rong biển phát triển trong thời tiết khắc nghiệt, từ khoảng đầu tháng 10 đến cuối tháng 12 âm lịch. Khi nước ngọt từ những đợt mưa lũ làm nước biển giảm độ mặn, cây rong biển hình thành, phát triển, phủ dày các ghềnh đá. Nghề mưu sinh hái “lộc trời” dịp cuối năm thu nhập khá cao, đem về cái Tết đủ đầy cho người dân Nam Ô.

Phương Cúc

Bạn đang đọc bài viết Vớt rong biển, người dân làng chài Nam Ô thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới