Vốn điều lệ ngân hàng sắp đổi ngôi
Với tiềm lực mạnh và nguồn vốn chủ sở hữu lớn, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân đang có khả năng tăng mạnh vốn điều lệ vượt qua nhóm ngân hàng quốc doanh.
Theo Quyết định 397/QĐ-NHNN, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt danh sách 17 ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2021. Trong đó, ngoài 4 ngân hàng quốc doanh Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank còn có 13 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước khác.
Nhóm ngân hàng này hiện chiếm 70% dư nợ cho vay trong hệ thống và cũng là các ngân hàng có quy mô lớn nhất thị trường xét cả về tài sản và vốn điều lệ. Trong đó, toàn bộ đều có vốn điều lệ trên 10.000 tỉ đồng.
Ba vị trí dẫn đầu về vốn điều lệ hiện vẫn thuộc về các ngân hàng quốc doanh gồm BIDV (40.220 tỉ), VietinBank (37.234 tỉ) và Vietcombank (37.089 tỉ). Nhà băng tư nhân duy nhất lọt vào top 5 vốn điều lệ là Techcombank với 35.049 tỉ, xếp trên cả Agribank (30.614 tỉ).
Nhóm ngân hàng tư nhân xếp sau lần lượt là MBBank (27.988 tỉ); VPBank (25.300 tỉ); ACB (21.616 tỉ); Sacombank (18.852 tỉ) và SHB (17.510 tỉ).
Đổi ngôi ngân hàng vốn điều lệ lớn nhất
Đáng chú ý, trong số các ngân hàng kể trên, 12 nhà băng đã có kế hoạch tăng vốn năm nay, mức tăng dao động từ vài nghìn cho tới hơn chục nghìn tỉ đồng.
Ngược lại, 5 nhà băng chưa có kế hoạch tăng vốn gồm Agribank; Techcombank; Sacombank; VPBank và TPBank.
Trong đó, Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước nên việc tăng vốn không thể quyết định qua Đại hội đồng cổ đông. Sacombank đang trong diện tái cơ cấu nên việc dùng cổ tức để tăng vốn phải chờ ý kiến của NHNN.
Còn lại, Techcombank, VPBank và TPBank đều đã có chiến lược khác nhau về chỉ tiêu này.
Với 12 ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn, VietinBank là nhà băng tham vọng nhất với kế hoạch tăng gần 16.800 tỉ đồng vốn năm nay, đưa chỉ tiêu này đến cuối năm vượt mức 54.000 tỉ đồng.
Mức vốn điều lệ tương đương 2,33 tỉ USD này có thể giúp VietinBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống vào cuối năm, vượt xa kế hoạch của cả Vietcombank và BIDV.
Cụ thể, Vietcombank đã trình cổ đông và được thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 50.000 tỉ đồng, cao hơn 13.300 tỉ so với hiện tại. Trong khi đó, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.300 tỉ, dự kiến đạt 48.524 tỉ đồng vào cuối năm.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, mức vốn tăng thêm cao nhất năm nay thuộc về MBBank với kế hoạch tăng gần 10.700 tỉ. Số này dự kiến đưa vốn điều lệ ngân hàng đến cuối năm đạt gần 38.700 tỉ.
Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MBBank nhấn mạnh tăng vốn là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của ngân hàng thời gian tới. Nếu đi đúng tiến độ, vốn điều lệ của MBBank có thể đạt 2 tỉ USD vào năm 2022 và đạt 5 tỉ USD trong giai đoạn sau 2025.
Các ngân hàng còn lại đều có kế hoạch tăng thêm 25-50% vốn điều lệ năm nay, trong đó SHB dự kiến tăng lên 26.674 tỉ (52%); ACB tăng lên 27.019 tỉ (25%); HDBank tăng lên 20.110 tỉ (25%)...
Ai đủ khả năng soán ngôi nhóm quốc doanh?
Hiện tại, cả Techcombank và VPBank đều chưa có kế hoạch tăng vốn, tuy nhiên, câu chuyện tại mỗi ngân hàng là khác nhau.
Lãnh đạo VPBank cho biết ngân hàng không có kế hoạch tăng vốn năm nay là để chuẩn bị nguồn lực cho đợt tăng vốn mạnh vào năm 2022.
Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết hiện hệ số CAR của ngân hàng là 11%, và tỉ lệ này có thể tăng lên trên 20% sau bán vốn FE Credit (dự kiến hoàn tất trong tháng 6), vì vậy, ngân hàng không chịu áp lực tăng vốn năm nay.
Trong khi đó, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch ngân hàng cho biết đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của VPBank vào khoảng 52.700 tỉ. Dựa vào một số nguồn thu trong năm nay, vốn chủ sở hữu đến cuối năm có thể đạt trên 90.000 tỉ đồng.
Các nguồn thu này bao gồm khoản phí gia hạn hợp đồng bảo hiểm; Thương vụ bán vốn FE Credit; Phát hành cổ phần riêng lẻ cho đối tác chiến lược và từ lợi nhuận năm nay để lại (dự kiến hơn 16.600 tỉ).
Với nguồn vốn chủ sở hữu xấp xỉ 4 tỉ USD vào cuối năm nay, VPBank có thể tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỉ đồng trong năm tiếp theo (2022).
Nếu hoàn tất kế hoạch, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng gấp 3 lần hiện tại và có thể trở thành ngân hàng vốn lớn nhất thị trường năm 2022.
Hiện tại, không nhiều ngân hàng có đủ nguồn lực để tăng vốn lên con số này trong năm 2022, trừ trường hợp tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, cách này phải huy động tiền túi từ các cổ đông và số lượng huy động không nhiều.
Nhà băng tư nhân có đủ nguồn lực tăng vốn lên tương đương có thể là Techcombank.
Đến cuối năm 2020, Techcombank có hơn 26.700 tỉ đồng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối có thể dùng để chia cổ tức. Số này ước tính sẽ tăng lên gần 40.000 tỉ vào cuối năm nay nếu ngân hàng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã đề ra (19.800 tỉ trước thuế) và giữ nguyên tỉ lệ trích lập các quỹ như năm 2020.
Với vốn điều lệ hiện tại đạt 35.049 tỉ và phần lợi nhuận lũy kế sau trích quỹ gần 40.000 tỉ vào cuối năm 2021, Techcombank có đủ nguồn lực để nâng vốn điều lệ lên 75.000 tỉ đồng nếu muốn.
Thậm chí, ngân hàng này còn một nguồn tăng vốn khác là phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khi “room” ngoại tại đây hiện vẫn còn 7,5%. Nhà băng này cũng đã khóa tỉ lệ sở hữu này ở mức 22,5% (trên mức tối đa cho phép 30%) để tìm kiếm đối tác phù hợp.
Tuy vậy, lãnh đạo Techcombank lại khẳng định không quá quan trọng chỉ tiêu vốn điều lệ và sẽ không tăng vốn bằng mọi giá.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT cho biết Techcombank không có kế hoạch tăng vốn năm nay do đã tăng đủ vốn theo kế hoạch. Với vốn điều lệ hiện tại, ngân hàng vẫn đảm bảo tốt các chỉ tiêu an toàn vốn theo cách tính của NHNN. Vì vậy, Techcombank không hề chịu áp lực phải tăng vốn bằng mọi giá. Hiện tại, CAR của ngân hàng vẫn ở mức 15,8%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu yêu cầu theo Thông tư 41 là 8%.
Với nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank là cái tên đủ tiềm lực để tăng vốn mạnh nếu muốn.
Đến cuối năm 2020, Vietcombank có vốn điều lệ 37.089 tỉ và phần lợi nhuận chưa phân phối hơn 35.483 tỉ đồng. Cộng với phần lợi nhuận năm nay vào khoảng 20.000 tỉ sau thuế (lợi nhuận trước thuế kế hoạch là 25.000 tỉ), lãi lũy kế đến cuối năm 2021 của ngân hàng có thể đạt trên 55.000 tỉ đồng.
Số này sau trích quỹ và chia cổ tức tiền mặt vẫn lớn hơn nhiều so với mức tăng thêm 13.300 tỉ năm nay. Vì vậy, Vietcombank vẫn còn đủ nguồn lực để tăng vốn từ nguồn lợi nhuận sau thuế giữ lại các năm trước nếu muốn.
Ngược lại, khả năng tăng vốn lên 75.000-80.000 tỉ đồng của VietinBank, BIDV trong 1-2 năm tới không dễ.
Nguyên nhân vì nếu hoàn tất kế hoạch tăng vốn đã đề ra năm nay, cả 2 nhà băng này sẽ sử dụng hết lợi nhuận tích lũy các năm trước. Khi đó, ngân hàng chỉ có thể tăng vốn thêm từ nguồn lợi nhuận năm 2021 với con số sau thuế, trích quỹ và cổ tức tiền mặt dưới 10.000 tỉ đồng.
Ở hướng tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ, BIDV mới tiến hành tăng vốn thông qua kênh này khi lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài - KEB Hana Bank (Hàn Quốc) vào năm 2019. Trong khi đó, VietinBank không thể tăng vốn thông qua việc chào bán riêng lẻ cổ phiếu do tỉ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước tại đây đã đạt mức tối thiểu 65%.
Quang Thắng