Vốn đầu tư vào khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM tăng mạnh
Từ đầu năm 2021 đến nay, tổng vốn đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đạt 236,1 triệu USD, tăng 22,87% so với cùng kỳ năm 2020.
Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) co biết, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Bởi theo nhiều doanh nghiệp nước ngoài, hiện nước ta đang là quốc gia được xem là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít các nước phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, cũng như là quốc gia có người lây nhiễm thấp.
Cũng theo Hepza, tính từ đầu năm 2021 đến nay, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 236,1 triệu USD, tăng 22,87% so với cùng kỳ năm 2020.
Điều này hoàn toàn trái ngược với tình hình kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và khó dự đoán bởi dịch Covid-19 kéo theo nền kinh tế của thế giới đang gặp khó khăn.
Theo đó, trong quý I/2021 thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 125 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, gồm 3 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký 122,21 triệu USD và 4 dự án tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng 2,8 triệu USD.
Tương tự, đầu tư trong nước cũng thu hút hơn 2.569 tỷ đồng, tương đương 111,09 triệu USD; trong đó, có 13 dự án đầu tư mới với vốn đầu tư đăng ký 2.124,27 tỉ đồng, tương đương 91,85 triệu USD, 6 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng đạt 444,99 tỉ đồng, tương đương 19,24 triệu USD.
Một trong những ngành nghề thu hút vốn đầu tư nhiều nhất là dịch vụ xây dựng nhà xưởng, kho cho thuê, chiếm 68,83% với vốn đầu tư đạt 147,34 triệu USD; tiếp đến là dược phẩm, phần mềm, thực phẩm...
Bên cạnh đó, các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu cũng đã bộc lộ nhiều thách thức mới, nhất là về cơ cấu đầu tư, tính lan tỏa, giá trị gia tăng của sản phẩm, ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội...
Nhận định về tình hình đầu tư, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza cho rằng, dù dịch Covid-19 nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn tiếp tục tăng vốn do Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tuy nhiên, để cải cách hành chính và tạo sức hút đầu tư thì vẫn gặp phải những khó khăn. Vì hiện nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố là quỹ đất thu hút đầu tư ngày càng thu hẹp. Các khu công nghiệp hiện hữu đang hoạt động dần lấp đầy, trong khi các khu công nghiệp mới chậm triển khai do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, pháp lý của chủ đầu tư, quy hoạch...
Để khắc phục tình trạng này, trước mắt Hepza sẽ đẩy mạnh giải pháp tạo quỹ đất thu hút đầu tư theo định hướng của thành phố nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp; trong đó, tăng cường phối hợp với các sở ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đồng thời, tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp (FDI) nhằm thúc đẩy tính lan tỏa về công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trước đó, UBND TP.HCM đã chủ đề năm 2021 của thành phố là: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Thành phố đề ra mục tiêu tổng quát năm 2021 là tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực...
Vừa qua, UBND TP cũng vừa có văn bản số 1602/KH-UBND về kế hoạch tổ chức Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Thời gian diễn ra tháng cao điểm từ ngày 1/6/2021 đến ngày 1/7/2021 với chủ đề trọng tâm “Cam kết, Trách nhiệm và Hành động”.
Duy Thật