Thứ sáu, 26/04/2024 08:24 (GMT+7)
Thứ sáu, 14/05/2021 06:58 (GMT+7)

Vô tư ‘xẻ thịt’ lòng sông nuôi thủy sản

Theo dõi KTMT trên

Nuôi trồng thủy sản mang lại lợi nhuận cao cho người dân, góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên trong quá trình quản lý đất đai, một số địa phương đã để xẩy ra tình trạng lấn chiếm lòng sông để nuôi trồng thủy sản.

Vô tư ‘xẻ thịt’ lòng sông nuôi thủy sản - Ảnh 1
Người dân chặn cả lòng sông, đổ vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng sông Cà Lồ.

Sông Cà Lồ (hay còn gọi là sông Phủ Lỗ) là một nhánh của sông Cầu và là một phân lưu của sông Hồng. Sông có tổng có chiều dài 86 km chảy qua địa bàn các huyện Yên Lạc, Bình Xuyên, TP Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và Mê Linh, Sóc Sơn (TP.Hà Nội) rồi đổ ra sông Cầu tại ngã ba Xá, xã Tam Giang, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh).

Lâu nay con sông này là nguồn cung cấp nước tưới, tiêu cho hàng nghìn hecta đất sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tiêu, thoát lũ trong mùa mưa bão. Tuy vậy, dòng sông này đang đang bị bức tử không thương tiếc, ô nhiễm nặng nề.

Hoạt động lấn sông nuôi thủy sản

Dưới lòng sông Cà Lồ giăng kín các loại lưới để ngăn thành lồng nuôi thủy sản, phía bờ sông là những chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm mọc lên như nấm.

Nhiều chuồng trại làm trên bờ nhưng vươn ra giữa lòng sông. Nước thải từ quá trình nuôi gia súc, gia cầm đổ thẳng xuống lòng sông vốn là nơi cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt của người dân nhiều huyện của tỉnh Vĩnh Phúc và TP.Hà Nội.

Lạ lùng, tại đây còn mọc lên nhiều công trình kiên cố lấn chiếm hành lang bảo vệ đê và lấn ra tới tận lòng sông. Chỉ một đoạn sông dài khoảng 7 km chảy qua địa bàn phường Tiền Châu đã có hàng chục công trình xây dựng trái phép.

Có những ngôi nhà kiên cố xây ngoài đê, dùng cọc bê tông đóng thẳng xuống lòng sông. Đặc biệt, có cả khu biệt phủ rộng cả hecta với tường bao kín mít, bên trong là những ngôi nhà kiên cố; vườn cây, nhà hàng... nằm hoàn toàn ngoài đê và lấn chiếm 1/3 lòng sông Cà Lồ.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, kết quả quan trắc cuối năm 2020 của Sở cho thấy, chất lượng nước trên lưu vực sông Cà Lồ có 3 thông số vượt quy chuẩn, đó là: Phosphat (PO43-), Nitrit (NO-2), Amoni (NH4+). Trong đó, có 6/9 vị trí có thông số NO-2 vượt quy chuẩn cho phép; 5/9 vị trí có thông số Amoni vượt quy chuẩn cho phép; thông số PO43- vượt quy chuẩn cho phép 3,47 lần tại vị trí NM2 ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên.

Không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng mà hình hài của dòng sông còn đang bị biến dạng do người dân lấn chiếm xây dựng công trình, chuồng trại chăn nuôi.

Các nguồn thải ra sông đã tác động làm cho môi trường nước bị biến đổi. Chất lượng nước trong các ao nuôi thủy sản gồm cá nước ngọt, nuôi tôm ven biển đặc biệt là trong các mô hình nuôi công nghiệp đã cho thấy dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, có sự xuất hiện các thành phần độc hại như H2S, NH3+, và chỉ số vi sinh Coliforms, đã cho thấy nguồn nước thải này cần phải được xử lý triệt để trước lúc thải ra sông.

Sản xuất thủy sản được xác định là một trong những hướng đi chính của sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại nhiều mặt tiêu cực, đó chính là vấn đề ô nhiễm môi trường. Sự phát triển mạnh mẽ trong nuôi trồng thủy sản lại kéo theo nhiều tác nhân gây biến động động môi trường với quy mô ngày càng lớn và hết sức đa dạng. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản đang thật sự là vấn đề bức xúc, cần được tập trung giải quyết, xử lý triệt để thì mới có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản.

Điều 47 Nghị định 43/2014/NĐ-CP: 

Việc sử dụng đất có mặt nước nội địa thuộc địa phận nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch tài nguyên nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện cho thuê đất có mặt nước nội địa đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp với mục đích phi nông nghiệp theo thẩm quyền quy định tại Điều 59 của Luật Đất đai.

Người được cho thuê đất theo quy định tại Khoản 2 Điều này phải bảo vệ môi trường, cảnh quan và không được làm ảnh hưởng đến mục đích chính của công trình sử dụng đất có mặt nước nội địa.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Vô tư ‘xẻ thịt’ lòng sông nuôi thủy sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới