Thứ năm, 25/04/2024 13:05 (GMT+7)
Thứ ba, 22/03/2022 16:00 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Cần tăng quỹ đất sạch trong các khu công nghiệp để đón nhà đầu tư

Theo dõi KTMT trên

Theo số liệu thống kê, hiện quỹ đất sạch đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư trong các khu công nghiệp Vĩnh Phúc còn rất ít nên việc giải phóng mặt bằng đang cần triển khai sớm.

Cần mặt bằng sạch cho KCN

Hiện nay, quỹ đất sạch đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN) còn ít. Đáng chú ý, diện tích đất cần bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) tại một số KCN đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định thành lập KCN và đi vào hoạt động còn nhiều (hơn 170 ha). Trong đó, KCN Bá Thiện II còn 104 ha, KCN Bình Xuyên còn 20,5 ha, KCN Tam Dương II ‑ Khu A trên 34 ha, KCN Khai Quang còn 11 ha.

Vĩnh Phúc: Cần tăng quỹ đất sạch trong các khu công nghiệp để đón nhà đầu tư - Ảnh 1
Quỹ đất sạch phục vụ công nghiệp ở Vĩnh Phúc còn ít. (ảnh minh họa)

Qua rà soát, ách tắc về GPMB tại các KCN có nhiều nguyên nhân khác nhau. Chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến kế hoạch, chiến lược đầu tư, năng lực triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng KCN của một số chủ đầu tư bị giảm sút.

Một số hộ dân không kê khai bồi thường, không nhận tiền bồi thường, không phối hợp với tổ công tác bồi thường, GPMB; không chấp nhận mức giá Nhà nước công bố, đề nghị được thỏa thuận hoặc tăng giá... mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, giải thích, vận động nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, toàn tỉnh hiện có 14 KCN đã được thành lập với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 13.310 tỷ đồng và 212 triệu USD; tổng diện tích đất quy hoạch gần 2.776 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch 2.041 ha; diện tích đất đã bồi thường, GPMB và có thể cho thuê là 1.576 ha.

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê (bao gồm đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký biên bản ghi nhớ) hơn 1.100 ha; tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt gần 54%, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất đã bồi thường, GPMB đạt 90,6%.

Mô hình KCN đa chức năng

Ông Vũ Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến Trúc, Bộ Xây dựng đã đề cập đến hai mô hình đầu tư của phần lớn các KCN tại Việt Nam tại tọa đàm Nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp.

Thứ nhất, mô hình “may sẵn”: Tức là, phía Việt Nam chuẩn bị sẵn theo hướng đa ngành rồi đón các doanh nghiệp vào thuê đất và tiến hành xây dựng nhà máy.

Thứ hai, mô hình “may đo”: Mô hình đầu tư đồng bộ khi mà biết rõ được nhà đầu tư muốn phát triển theo hướng nào để triển khai theo. Song, hiện nay các KCN tại Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu phục vụ cho nhóm đối tượng, nhóm nhu cầu nên việc phát triển chủ yếu là theo hướng đa ngành.

Vĩnh Phúc: Cần tăng quỹ đất sạch trong các khu công nghiệp để đón nhà đầu tư - Ảnh 2
Việt Nam cần cân nhắc đến mô hình KCN đa chức năng. (ảnh minh họa)

Ông Vũ Anh Tú cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay cũng muốn điều chỉnh Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế cũng như làm rõ hơn các loại hình KCN mới.

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến Trúc cũng đồng tình với Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền về những bất cập trong chính sách. Cụ thể, hiện nay vẫn còn khoảng cách giữa pháp luật và việc thực tiễn thực hiện.

Ông Vũ Anh Tú có lấy ví dụ về việc khi lập kế hoạch xây dựng KCN sinh thái, Việt Nam vẫn chưa xác định tiêu chí để đánh giá tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc xây dựng. Từ góc độ quản lý nhà nước, ông cho rằng vẫn còn những khoảng trống về vấn đề này.

Trước đây, Việt Nam thường ở phía thụ động, tức là làm sẵn các KCN rồi chờ đợi các nhà đầu tư đến. Tức là, Việt Nam đang phần lớn đi theo mô hình “may sẵn”. Khi trình độ phát triển ngày càng cao như hiện nay, mô hình “may sẵn” không còn phù hợp để đáp ứng được những yêu cầu và xu hướng mới. 

Trước những bất cập này, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc Vũ Anh Tú đã đưa ra giải pháp như sau. Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc phát triển mô hình KCN, cụ thể là mô hình “may đo”, bằng cách xác định rõ được nhu cầu, xu hướng hiện tại cũng như đối tượng nhà đầu tư hướng đến.

Ông Vũ Anh Tú cũng nhấn mạnh rằng, xu hướng phát triển trên thế giới hiện nay là các KCN với mô hình theo hướng chuyên biệt. Việt Nam cũng cần cân nhắc lại định hướng các mô hình KCN chuyên ngành tại Việt Nam để không bị thụt lùi.

Về mô hình chức năng của các KCN hiện tại, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến Trúc có nói:  “Các khu công nghiệp hiện nay vẫn chỉ là đơn chức năng, tập trung phần lớn chức năng vào sản xuất, một phần nhỏ ở theo hình thức nhà ở cho công nhân. Mô hình này mới chỉ là ở và làm việc, chứ không phải sống và làm việc”.

Theo ông, để đáp ứng được các nhu cầu và sự thay đổi mới, Việt Nam cần cân nhắc đến mô hình KCN đa chức năng. Tức là, việc hình thành lối sống công nghiệp mới bao gồm sống, làm việc, nghỉ ngơi một cách đồng bộ và chất lượng.

Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Phúc: Cần tăng quỹ đất sạch trong các khu công nghiệp để đón nhà đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.
Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.