Thứ bảy, 27/04/2024 06:54 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/09/2019 10:11 (GMT+7)

Việt Nam sẽ nhập khẩu 50% nhiên liệu khí hóa lỏng vào 2030

Theo dõi KTMT trên

Tới năm 2030, khoảng gần 50% nhiên liệu khí hoá lỏng sẽ phải nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt khí trong nước cho phát triển điện khí. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Tiềm năng phát triển thị trường khí Việt Nam" ngày 12/9 tại Hà Nội.

Việt Nam sẽ nhập khẩu 50% nhiên liệu khí hóa lỏng vào 2030 - Ảnh 1
Nhà máy Nhiệt điện khí Phú Mỹ 4 -Tổng công ty Phát điện 3 (Ảnh: EVN)

Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, hiện nay, thị trường khí tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm, nhưng sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và thế giới. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng nhu cầu khí là 10%, quy mô thị trường gần 10 tỷ m3/năm và duy trì đến nay. Phần lớn các phát hiện khí của Việt Nam được tìm thấy ở thềm lục địa phía Nam và sản lượng khí khai thác chiếm hầu như toàn bộ thị trường.

Về cơ cấu tiêu thụ, giai đoạn 2019 - 2035, dự kiến khoảng 79 - 80% lượng khí trên thị trường dành cho phát điện; còn lại được phân bổ cho sản xuất đạm, hóa chất, các ngành công nghiệp, tiêu thụ dân dụng khác…

Ông Đoàn Hồng Hải - đại diện Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam hiện có 7.200 MW điện khí. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW công suất nhiệt điện khí, chiếm khoảng 15,6% tổng công suất các nguồn điện. Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khí sẽ khoảng 19.000 MW, tương ứng cần khoảng 22 tỷ m3 khí cho phát điện.

Việc phát triển nhiệt điện khí được các chuyên gia đánh giá là rất cần thiết, nhằm góp phần cung cấp đủ điện năng cho nhu cầu quốc gia, tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng. Nhiệt điện khí sẽ đảm bảo kịp thời bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện khi năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) hoạt động không ổn định, hoặc không thể phát điện do điều kiện thời tiết.

Tuy nhiên, dự báo từ sau năm 2020, nguồn khí trong nước sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và Việt Nam cần nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt cho sản xuất điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tới năm 2030, khoảng gần 50% nhiên liệu khí cho phát điện là từ nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu.

ông Phùng Văn Sỹ - Vụ Dầu khí, than (Bộ Công Thương) thông tin, từ sau 2020 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu LNG. Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí đến 2035, Việt Nam sẽ cần nhập 1-4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025 và sẽ tăng lên 6-10 tỷ m3 mỗi năm vào sau 2026.

Đại diện Vụ Dầu khí, than giải thích, năm 2019 khả năng cấp khí cho sản xuất điện ở mức 8 tỷ m3, tuy nhiên khả năng cấp khí như hiện tại sẽ chỉ duy trì được đến 2022 và từ 2023 sản lượng khí cấp về bờ sẽ suy giảm và bắt đầu thiếu hụt. Vì vậy, giai đoạn sau 2020 nguồn khí trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, nên Việt Nam sẽ phải nhập khẩu LNG để bù đắp lượng thiếu hụt và hỗ trợ cho các nhà máy điện khí hiện có.

Ngoài ra, với mức cấp khí từ thượng nguồn và huy động tại hạ nguồn như hiện nay, dự kiến quyền lấy bù khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ hết vào tháng 10/2019. Sau thời điểm cân bằng, khả năng cấp khí của PVN qua đường ống PM3-Cà Mau sẽ chỉ còn một nửa, giảm nhanh từ năm 2023 và ngừng cấp khí từ 2028.

"Nếu không mua được khí từ Malaysia, nguồn cung khí sẽ không đáp ứng được nhu cầu của các hộ tiêu thụ sau khi PVN hết quyền lấy bù vào tháng 10/2019", ông Sỹ nói.

Tuy nhiên, thách thức hiện nay đó là xu hướng giá khí cao và phụ thuộc vào thị trường LNG thế giới. Hiện giá trung bình mỗi kWh sử dụng khí lô B khoảng 2.800 đồng, còn sử dụng LNG nhập khẩu khoảng 2.000 đồng (với giá LNG tại nhà máy khoảng 10,5 triệu USD/triệu BTU).

"Hệ thống đường ống mới xây dựng có mức phí cao, nhưng sản lượng khí dự kiến vận hành thấp. Do đó, cần cơ chế, chính sách thuế suất, nhất là giá khí, hợp lý để triển khai các dự án nhập khẩu LNG và kinh doanh phân phối", ông Phùng Văn Sỹ bình luận.

Mai Anh (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam sẽ nhập khẩu 50% nhiên liệu khí hóa lỏng vào 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới