Việt Nam sẽ là điểm đến an toàn cho du khách quốc tế và nội địa
Việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là phải bảo đảm an toàn, khoa học và hiệu quả. Trong đó, yếu tố bảo đảm an toàn phòng chống dịch là điều kiện tiên quyết.
Thị trường du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á
Theo Thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (tháng 11/2021), tính đến ngày 8/2/2022, Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách du lịch quốc tế. Khách du lịch chủ yếu đến từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…
Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách những điểm đến được du khách nước ngoài tìm kiếm và mong muốn trải nghiệm, khám phá.
Đối với đánh giá truyền thông và du khách quốc tế, thị trường Việt Nam luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn, thú vị nhất khu vực Đông Nam Á. Gần nhất, tạp chí du lịch nổi tiếng Canada – The Travel đã bình chọn Việt Nam ở vị trí thứ 8 trong Top 10 điểm đến lý tưởng nhất dành cho những người trẻ yêu thích sự trải nghiệm của những chuyến đi tự do, khám phá gắn với thiết bị công nghệ (Digital Nomads).
Đối với nhóm du khách thuộc Digital Nomads bao gồm những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông như marketing, thiết kế, công nghệ thông tin… Việt Nam cũng được đánh giá cao bởi có hạ tầng kỹ thuật phát triển, và có những bước tiến trong việc đẩy mạnh kỹ thuật số trong ngành du lịch đã giúp phần nào du khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin, lựa chọn tour và khách sạn trước khi đến tham quan hay nghỉ dưỡng.
An toàn là điều kiện then chốt
Thông tin từ Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch sắp tới toàn ngành du lịch đã sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất để từ ngày 15/3, du lịch Việt Nam chính thức mở lại trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, từ nay đến khi mở cửa lại du lịch có rất nhiều công việc cần phải triển khai.
Trước hết là công tác phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện phương án đón khách du lịch quốc tế an toàn, khoa học, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, yếu tố bảo đảm an toàn phòng chống dịch là điều kiện tiên quyết. Việc khôi phục các chuyến bay thương mại, không hạn chế các chuyến bay quốc tế là điều kiện để phục hồi du lịch.
Việc cấp thị thực là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển quốc tế như trước khi dịch bệnh. Việt Nam đã công nhận "Hộ chiếu vaccine", giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 14 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Điều đó khiến điều kiện đi ra nước ngoài cũng bị hạn chế. Chỉ khi nào cân bằng được cung - cầu của khách đi và đến thì mới giảm chi phí các chuyến bay, giảm giá thành chi phí của các công ty du lịch.
Đồng thời cần chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực du lịch. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và năng lực cạnh tranh điểm đến. Trao đổi, kết nối với các thị trường trọng điểm trong công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch…
Nhấn mạnh đến yếu tố bảo đảm an toàn khi mở cửa trở lại, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là phải bảo đảm an toàn, khoa học và hiệu quả. Yếu tố an toàn là yếu tố đầu tiên vì vậy rất nhiều quốc gia cũng yêu cầu phải có test Covid-19 và tiêm chủng. Đối với Việt Nam, khi chúng ta có độ bao phủ vaccine cao và có kinh nghiệm 2 năm xử lý dịch thì việc yêu cầu phải test Covid-19, có bảo hiểm y tế, bảo hiểm du lịch là vấn đề rất quan trọng để bảo đảm yếu tố an toàn trong quá trình mở cửa lại.
Sẵn sàng mở cửa trở lại
Sau 2 năm đóng cửa chống dịch Covid-19 với những kết quả đáng ghi nhận về phủ vaccine, nâng cao hiệu quả các chính sách, hoạt động phòng chống và điều trị bệnh, nước ta đã tiến rất gần đến điểm mở cửa quốc tế.
Từ ngày 15/2, các hạn chế về bay quốc tế đã được gỡ bỏ hoàn toàn và dự kiến từ ngày 15/3 tới sẽ mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế.
Theo đó, giai đoạn tập dượt thí điểm đón khách quốc tế đã giúp ngành du lịch nhận ra một số những hạn chế vướng mắc trong việc đón khách quốc tế.
Đề xuất mở cửa du lịch được đi kèm với việc cải thiện những hạn chế này, trong đó nhấn mạnh về thời điểm công nhận xét nghiệm Covid-19 cho khách quốc tế là âm tính 72 giờ trước khi lên máy bay, thay vì 72 giờ khi nhập cảnh.
Trong trường hợp khách du lịch phải bay theo lộ trình 2 - 3 ngày mới đến Việt Nam thì điều kiện âm tính 72 giờ trước khi nhập cảnh làm khó cho khách du lịch.
Bên cạnh đó, với hộ chiếu vaccine khi đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã công nhận 79 giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng mới chỉ có 14 quốc gia trên thế giới công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, điều này sẽ khiến việc du lịch nước ngoài hay hoạt động du lịch outbound bị hạn chế cũng như làm mất cân bằng trong quá trình thực hiện các chuyến bay quốc tế. Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, các đơn vị liên quan cùng thúc đẩy gia tăng thêm số lượng quốc gia công nhận giấy tiêm chủng của Việt Nam.
Đối với ngành du lịch Việt Nam trong 2 năm qua các khu du lịch đóng cửa không phục vụ đón khách, vì thế cơ sở vật chất bị xuống cấp trầm trọng. Còn nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch – một lực lượng nòng cốt phần lớn bị phân tán và chuyển sang ngành nghề khác.
Vì vậy, để chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa sắp tới, ngành du lịch phục hồi trở lại và cung ứng những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách thì nhiệm vụ cần làm trước mắt chính là hoàn thiện, bảo dưỡng các cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm mới nhằm phục vụ khách du lịch. Đồng thời, có những chính sách tốt, tạo sự hứng khởi cho người lao động trở lại làm việc trong ngành du lịch.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, vấn đề hàng đầu khi mở cửa du lịch là an toàn cho du khách, đáp ứng thị trường du lịch đa ngành, tính toán những gói du lịch phù hợp phục vụ nhu cầu của thị trường chứ không phải chỉ những thứ chúng ta đang có. Đồng thời, du lịch là sản phẩm văn hóa, phải lan tỏa, góp phần tạo ra sự liên kết, kết nối giữa Quảng Nam với các tỉnh trong khu vực, tạo sản phẩm du lịch đa dạng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu phân rõ vai trò, trách nhiệm của các bên để các chương trình Năm Du lịch quốc gia diễn ra hoành tráng, tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, chú ý công tác truyền thông vì qua đó thể hiện nhịp điệu cuộc sống đã trở lại bình thường, Việt Nam là điểm đến an toàn sẵn sàng đón khách quốc tế và phục vụ khách nội địa.
Lan Anh (T/h)