Việt Nam lọt top 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất
Tại hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong quản lý rác thải nhựa đại dương” ngày 11/10, ông Nghiêm Vũ Khải, PCT Liên hiệp các Hội Khoa học - Kĩ thuật cảnh cáo hiểm họa từ rác thải nhựa.
Theo Báo Biên Phòng, Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển Đức tổ chức.
Hội thảo thu hút sự tham gia của 80 đại biểu đến từ các cơ quản quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế. |
Theo thông tin tại Hội thảo, Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Chỉ số tiêu dùng nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng từ 3,8kg/năm/người (1990) lên 41,3kg/năm/người.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Sĩ Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, 80% rác thải nhựa có nguồn gốc lục địa, thải ra biển từ các dòng sông. Sông Mê Kông là 1 trong 10 con sông có tải lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới.
Theo ông Vũ Sĩ Tuấn, Việt Nam đang nỗ lực quản ý rác thải nhựa đại dương. Theo đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.
Việt Nam đã ban hành hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với các mục tiêu: Đến năm 2030, 100% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; hạn chế cơ bản việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển. Giảm thiểu 75% rác thải nhưa đại dương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Mở rộng hệ thống quan trắc, định kỳ đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại các cửa sông thuộc 6 lưu vực sông chính, các đảo tiền tiêu, có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 6 huyện đảo còn lại.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quản lý rác thải nhựa và đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách cũng như nguồn lực tài chính để thu hút sự tham gia của các nhà khoa học trong việc tạo nguồn dữ liệu về quản lý rác thải nhựa.
Cái giá của ô nhiễm
Theo Khoahoc.tv, có một điều hết sức đáng sợ là khi đã lọt ra biển thì rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Vì thế, có tới hơn 90% lượng rác trôi nổi trên mặt biển là rác thải nhựa.
Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe người dân. Về phương diện kinh tế, một bản báo cáo của khối APEC đã cho thấy rác thải biển đang gây thiệt hại gần 1,3 tỉ USD mỗi năm cho các quốc gia trong khối.
Về phương diện sức khỏe, các nghiên cứu y khoa đã cho thấy một khi các loài cá ăn phải các hạt nhựa trôi nổi trên biển, chúng sẽ mắc phải bệnh gan và chết nhanh hơn bình thường. Nguyên nhân dẫn tới điều này là do các hạt nhựa thường chứa các chất độc hại như hợp chất chống cháy và PCB.
Cần phải hành động ngay từ hôm nay
Theo đó, Việt Nam có thể bắt đầu khắc phục vấn đề xả rác thải nhựa ra biển bằng cách tăng cường đầu tư cho 4 giải pháp: Mở rộng mạng lưới thu gom rác, giảm thiểu việc rò rỉ từ các bãi rác, đốt rác để sản xuất điện và sau cùng là xây dựng các cơ sở tái chế.
Không khó để bắt gặp những bãi biển đầy túi nilon và rác thải nhựa. |
Hiện tại, Việt Nam đã đạt được tỉ lệ thu gom chất thải rắn khá cao tại các đô thị (từ hơn 80% tới gần 100%). Tuy nhiên, tại các khu vực ngoại thành và nông thôn, nơi hơn 2/3 dân số Việt Nam đang sinh sống, thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn (từ 40 tới 60%). Việc phát triển mạng lưới thu gom tại những khu vực này, cũng như quản lý hiệu quả các bãi rác, chắc chắn sẽ góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải xả ra các kênh và sông rồi từ đó trôi ra biển.
Ngoài ra, việc đốt rác nhựa để sản xuất năng lượng được đánh giá là một giải pháp hợp lý về mặt kinh tế cho Việt Nam, nếu như sử dụng các công nghệ đốt rác tiên tiến bảo đảm được các tiêu chuẩn về an toàn khí thải. Theo đó, rác thải nhựa có thể trở thành một nguồn nhiên liệu thay thế cho than đá trong ngành công nghiệp xi măng. Điều này có thể làm giảm bớt gánh nặng năng lượng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang bắt đầu phải nhập khẩu than.