Thứ sáu, 26/04/2024 12:21 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/12/2020 15:28 (GMT+7)

Việt Nam là 'điểm sáng' về tăng trưởng kinh tế trong năm 2020

Theo dõi KTMT trên

Do ứng phó mạnh mẽ với dịch bệnh, xuất khẩu tăng cao và tài chính công lành mạnh đã giúp nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,4% và thu hút được 26,43 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, dịch bệnh Covid-19 khiến toàn bộ nền kinh tế Đông Nam Á chịu tác động lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, kinh tế khu vực dự kiến sẽ thu hẹp 4,2% trong năm 2020.

Trong khi đó, do ứng phó mạnh mẽ với dịch bệnh, xuất khẩu tăng cao và tài chính công lành mạnh đã giúp nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,4% và thu hút được 26,43 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Mới đây, WB công bố báo cáo "Điểm lại tình hình kinh tế của Việt Nam" với dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam ước đạt 2,8%, trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm 4% do phải chịu tác động của dịch Covid-19.

Việt Nam là 'điểm sáng' về tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Trước đó, từ tháng 10 năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới kinh tế tăng trưởng dương; trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc - nền kinh tế có quy mô rất lớn.

IMF đánh giá Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỉ USD, lần đầu tiên trong lịch sử vượt Singapore (337,5 tỉ USD), Malaysia (336,3 tỉ USD), đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021, hoạt động tiêu dùng gia tăng nhờ tâm lý thị trường được cải thiện và lĩnh vực sản xuất tăng tốc sẽ là động lực tăng trưởng chính trong quý IV/2020. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5-3% năm 2020.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập.

WB cho rằng có được kết quả này là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực trong nước và xuất khẩu. Không những Việt Nam kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế. Ví dụ như chi tiêu công bắt đầu tăng trở lại sau 3 năm thắt chặt tài khóa, giải ngân đầu tư công cũng tăng 40% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.

“Xuất khẩu là động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong thập kỷ qua, đạt kết quả tốt kể từ khi khủng hoảng dịch Covid-19 bắt đầu. Việt Nam dự kiến có thặng dư xuất khẩu hàng hóa lớn nhất từ trước đến nay đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho việc nguồn thu ngoại tệ từ du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp”, bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam, nhận định.

Chia sẻ với báo Thanh niên, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận định mọi thông tin và dự báo về nền kinh tế thế giới từ tháng 10 trở về trước đa số có vẻ “u ám” nếu không nói là bế tắc. Thế nhưng, từ tháng 11 đến nay, bức tranh kinh tế thế giới đã được vẽ nên những gam màu sáng hơn, tích cực hơn do có vắc xin ngừa Covid-19. Yếu tố thứ 2 là may mắn khi thế giới đã có vắc xin, nhiều nước tiến hành tiêm đại trà cho dân chúng và Việt Nam cũng công bố đang tiêm thử nghiệm.

Còn theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, trong năm mới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Ngoài ra, phải thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, đặc biệt phát triển mạnh thị trường trong nước... nhằm đạt mục tiêu tăng GDP khoảng 6%, quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Như vậy, có thể nói, về tổng thể, kinh tế Việt Nam năm tới vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam là 'điểm sáng' về tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới